Kỳ tích cấp cứu liên tục cứu sống bệnh nhân ngưng tim 90 phút
Một bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện, đột ngột ngưng tim, ngưng thở, được các đồng nghiệp tại chỗ cấp cứu 45 phút có nhịp tim lại, đồng thời chuyển viện lên tuyến trên. Tuy nhiên trên đường đi bệnh nhân lại ngưng tim.
Đó là trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thành T. (62 tuổi), bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện ở TP Cần Thơ. Ông có tiền sử bệnh lý tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngày 22-10 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ngưng lọc máu liên tục.
Bác sĩ Phạm Thanh Phong - phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết ca cấp cứu, điều trị thành công là một kỳ tích thực sự đối với bệnh nhân và nỗ lực của cả êkíp. Bệnh nhân ngưng tim, ngưng tuần hoàn đến 90 phút từ lúc ở bệnh viện tuyến trước, trên đường đi và khi đến bệnh viện.
Các bác sĩ tuyến trước đã cấp cứu ép tim đến 45 phút, báo động đỏ liên viện với tuyến trên và chuyển viện. Trên đường vận chuyển, bệnh nhân tiếp tục ngưng tim nhiều lần và được cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực liên tục, sử dụng đến 40 ống thuốc vận mạch.
Khi đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, êkíp cùng phương tiện cấp cứu, thuốc đã sẵn sàng. Lúc này bệnh nhân hôn mê sâu, đồng tử hai bên giãn 4mm, phản xạ ánh sáng chậm, đang được bóp bóng qua nội khí quản; huyết áp và mạch không đo được, toàn thân tím tái.
Êkíp tiếp nhận liên tục ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện, bóp bóng cho bệnh nhân thở máy, điều chỉnh các rối loạn chuyển hóa... Sau 35 phút nhập viện cấp cứu bệnh nhân có nhịp tim trở lại, tuy nhiên tình trạng cực kỳ nguy hiểm và tiếp tục thở máy, sử dụng thuốc vận mạch liều cao...
Sau khi ổn định, bác sĩ tiến hành chụp CT - scan sọ não và can thiệp mạch vành cấp cứu. Kết quả, bệnh nhân hẹp nhánh liên thất trước đoạn II khoảng 80%, can thiệp thành công bằng Stent phủ thuốc thành công.
Trong quá trình theo dõi điều trị, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm trùng suy đa tạng, được lọc máu liên tục cấp cứu kết hợp sử dụng hệ thống thăm dò huyết động theo phương pháp PICCO.
Quá trình điều trị, tình trạng vẫn theo hướng rất nặng: suy gan, suy thận, rối loạn đông máu; viêm phổi đa kháng thuốc... Tuy nhiên nhờ các biện pháp can thiệp kịp thời, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần đang được tiếp tục được theo dõi và điều trị tiếp tại khoa hồi sức tích cực - chống độc.
Theo bác sĩ Dương Thiện Phước - trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, bệnh nhân vượt qua nguy kịch và tỉnh táo đúng là một kỳ tích, vì bị ngừng tim ngừng tuần hoàn đến 90 phút.
Thông thường các trường hợp này có tỉ lệ tử vong cao, nguyên nhân phổ biến nhất là do tổn thương não. Vì vậy, đối với các ca ngưng tim, ngừng tuần hoàn cần cấp cứu thời gian lâu hơn và tích cực hơn vì vẫn còn cơ hội cứu sống.
T. LŨY
Link nguồn:
Theo tuoitre.vn
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- 7 bước theo dõi và kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà
24/01/2024 - 15:20:40
- 6 dấu hiệu cảnh báo bệnh tim trên da
20/06/2023 - 14:06:54
- Mổ tim cho người bệnh không nói, không thở được bằng miệng
14/06/2023 - 15:50:38
- Người bệnh huyết áp thấp nên lưu ý gì trong ngày hè
29/05/2023 - 10:15:51