8 vitamin và chất bổ sung có lợi cho sức khoẻ âm đạo phụ nữ mãn kinh
Khô âm đạo, thường xuyên viêm nhiễm là những dấu hiệu cho thấy sức khỏe vùng kín có vấn đề. Một số vitamin và chất bổ sung có thể giúp cân bằng độ pH, hỗ trợ sức khỏe âm đạo tốt hơn cho phụ nữ tuổi mãn kinh.
Mặc dù có đặc tính tự làm sạch và đàn hồi trong quá trình sinh nở, nhưng âm đạo cũng là một môi trường nhạy cảm đòi hỏi độ pH cân bằng.
Độ pH của âm đạo có tính axit, dao động trong khoảng 3,8-4,5. Khi nồng độ estrogen giảm trong thời kỳ mãn kinh, độ cân bằng pH của âm đạo trở nên kiềm hơn, tăng lên khoảng 6,5-7,0 có thể dẫn đến các triệu chứng như nóng rát, ngứa và khô âm đạo. Sự thay đổi từ axit sang kiềm này khiến phụ nữ mãn kinh cũng dễ mắc các bệnh như nhiễm trùng nấm men và viêm âm đạo do vi khuẩn.
Khô âm đạo, thường xuyên viêm nhiễm là những dấu hiệu cho thấy sức khỏe vùng kín có vấn đề.
Một số vitamin và khoáng chất đã được chứng minh là có lợi trong việc giúp giữ cân bằng độ pH âm đạo trong thời kỳ mãn kinh, bao gồm:
1. Vitamin E
Vitamin E là một loại vitamin tan trong chất béo cũng là một chất chống ôxy hóa hiệu quả. Một số nghiên cứu về phụ nữ sau mãn kinh cho thấy, vitamin E giúp giảm khô âm đạo và các triệu chứng khác liên quan đến teo âm đạo. Lợi ích của vitamin E đối với việc bôi trơn âm đạo có thể là do vai trò của nó trong việc duy trì nồng độ estrogen và giữ cho các động mạch linh hoạt, do đó tạo điều kiện cho máu lưu thông khỏe mạnh.
2. Vitamin D
Thành âm đạo có chứa các tế bào biểu mô. Các tế bào biểu mô âm đạo giống như ngôi nhà của hệ vi sinh vật âm đạo cung cấp sự bảo vệ, hỗ trợ góp phần bôi trơn âm đạo. Khi các tế bào này bong ra và tự bổ sung, giúp duy trì môi trường âm đạo khỏe mạnh. Nhưng khi không được phục hồi đúng cách có thể dẫn đến mất cân bằng âm đạo và khô âm đạo.
Nghiên cứu cho thấy vitamin D có thể giúp các tế bào âm đạo tái tạo và cải thiện khả năng bôi trơn. Vitamin D có thể làm tăng nhanh số lượng tế bào âm đạo, có khả năng ngăn ngừa hoặc hạn chế tình trạng teo âm đạo, đặc biệt phổ biến ở phụ nữ trong và sau thời kỳ mãn kinh.
3. Vitamin C
Vitamin C rất cần thiết cho hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Vitamin C có đặc tính chống oxy hóa giúp cơ thể thải độc và chống nhiễm trùng. Bổ sung vitamin C thường xuyên có tác dụng hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn và ngăn ngừa khô âm đạo ở những phụ nữ mãn kinh.
Vitamin C có tác dụng hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn.
4. Vitamin nhóm B
Vitamin nhóm B cần thiết cho sự tái tạo tế bào khỏe mạnh, điều này đặc biệt quan trọng khi các tế bào trong âm đạo bị nhiễm trùng. Những vitamin tan trong nước này cũng thường bị thiếu hụt ở phụ nữ bị viêm nhiễm vùng kín.
5. Omega-3
Dầu cá thường được sử dụng do giàu axit béo omega-3. Những axit béo này rất cần thiết cho sức khỏe tổng thể và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, bao gồm giảm viêm và có lợi cho sức khỏe tim mạch. Bổ sung dầu cá cũng hỗ trợ sức khỏe âm đạo bằng cách giảm khô âm đạo và nguy cơ nhiễm trùng.
6. DHEA
Dehydroepiandrosterone (DHEA) là một loại hormone được cơ thể sản xuất tự nhiên ở tuyến thượng thận. DHEA cần thiết cho việc sản xuất các kích thích tố khác, bao gồm cả estrogen, cần thiết cho việc bôi trơn âm đạo và sức khỏe âm đạo. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng DHEA trong âm đạo có thể cải thiện khả năng bôi trơn và giảm khô. DHEA cũng đã được chứng minh là giúp giảm bớt các triệu chứng teo âm đạo.
7. Axit hyaluronic
Được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể, axit hyaluronic giúp giữ ẩm cho da, đệm khớp và hơn thế nữa. Khi được sử dụng đường uống hoặc tại chỗ, axit hyaluronic có thể giúp giảm khô, ngứa và khô âm đạo ở phụ nữ mãn kinh mà không ảnh hưởng tiêu cực đến độ pH âm đạo.
8. Men vi sinh
Men vi sinh chứa các chủng vi khuẩn lactobacilli hoạt động để tạo ra hydro peroxide và axit lactic hỗ trợ sức khỏe âm đạo và cân bằng độ pH, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm âm đạo do vi khuẩn, nhiễm trùng nấm men và nhiễm trùng tiểu.
Cuối cùng, điều quan trọng cần lưu ý là tình trạng khô âm đạo, viêm nhiễm kéo dài có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa nếu đang gặp phải triệu chứng này.
Tin nổi bật
- Các cách điều trị tăng sắc tố
02/07/2024 - 10:11:53
- 7 chất bổ sung nên tránh nếu bị huyết áp cao và tăng đường máu
01/07/2024 - 10:19:16
- Nguy cơ cắt cụt chân do không tuân thủ điều trị đái tháo đường
27/06/2024 - 09:51:57
- Một ngày, uống bao nhiêu vitamin E?
24/06/2024 - 10:54:09
- Các dạng đau nửa đầu và biện pháp điều trị
17/06/2024 - 10:39:17
- Suy dinh dưỡng dùng thuốc gì?
14/06/2024 - 09:56:02