Bộ Y tế lý giải chủ trương trộn chung nhiều mẫu để xét nghiệm Covid-19
Do số lượng mẫu quá lớn, Bộ Y tế cho phép gồm nhiều mẫu trong một lần xét nghiệm PCR để tiết kiệm chi phí và thời gian.
3 ngày nay, Bộ Y tế cho phép các cơ sở xét nghiệm Realtime RT-PCR gộp nhiều mẫu trong một lần xét nghiệm (Pool) để đẩy nhanh việc truy tìm các ca Covid-19 trong cộng đồng.
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên thực hiện trộn nhiều mẫu xét nghiệm. Theo đó, các thành viên trong một gia đình sẽ được gộp mẫu chung trong một ống để xét nghiệm. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, sẽ xét nghiệm lại từng mẫu để xác định chính xác ca bệnh.
Xét nghiệp trộn mẫu chỉ áp dụng với những mẫu lấy tại khu dân cư, không áp dụng chung cho tất cả các nhóm đối tượng.
Cán bộ xét nghiệm Covid-19 làm việc đêm ngày tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng do lượng mẫu quá lớn. Ảnh: Lê Bảo - Minh Thùy
Trước nghi ngờ về độ chính xác khi xét nghiệm gộp mẫu, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban điều trị khẳng định, khi trộn mẫu, độ chính xác không giảm.
Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu chứng tỏ hiệu quả của phương pháp này, nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Đức, Israel… cũng đang triển khai xét nghiệm Pool.
Tại Israel từng thực hiện đối chứng 184 mẫu xét nghiệm Pool với 184 mẫu làm xét nghiệm PCR riêng lẻ. Kết quả không có sự khác biệt.
Qua thực tế xét nghiệm 26.576 mẫu bệnh phẩm, Israel đã phát hiện ra 31 bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng, chứng minh chiến lược xét nghiệm gộp mẫu giúp tăng công suất xét nghiệm lên 7,3 lần, trong khi vẫn duy trì độ nhạy ở mức cao.
Ngày 15/6 vừa qua, tại hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm với WHO, Trung tâm truyền máu Frankfurt, Đức cho biết đã dùng phương pháp xét nghiệm trộn mẫu để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR.
Mới đây nhất, ngày 23/7, CDC Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn tạm thời sử dụng phương pháp xét nghiệm trộn mẫu. FDA Hoa Kỳ cũng đã cấp phép cho vài loại sinh phẩm để dùng gộp chẩn đoán SARS-CoV-2.
Nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho biết, nếu tỉ lệ mắc Covid-19 trong cộng đồng dưới 10%, khi làm xét nghiệm Pool sẽ tiết kiệm được gần 70% năng lực xét nghiệm. Hơn nữa, thời gian trả kết quả sẽ giảm xuống rất nhiều do làm được số lượng mẫu rất lớn cho cả một nhóm người, khu vực hay địa bàn.
PGS Khuê thông tin, đại diện WHO tại Việt Nam ủng hộ chiến lược gộp mẫu của Việt Nam do vừa giúp tiết kiệm nguồn lực, cho kết quả nhanh, giúp đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm khối lượng lớn các ca bệnh nghi ngờ, các đối tượng tiếp xúc F1 và những người nguy cơ để hạn chế tình hình lây lan trong cộng đồng và hạn chế tình trạng tử vong.
Ngoài Đà Nẵng, Hà Nội cũng đang triển khai phương pháp xét nghiệm Pool do có hàng chục nghìn người trở về từ Đà Nẵng từ 15/7 đến nay.
Thúy Hạnh
Link nguồn:
Theo vietnamnet.vn
Tin nổi bật
- TPHCM: Phát hiện một công ty quảng cáo cung cấp dịch vụ truyền nước biển tại nhà trái phép
05/07/2024 - 10:58:42
- Thêm 2 ca tai biến thẩm mỹ, Bệnh viện Korea Star - Sao Hàn phải dừng hoạt động phẫu thuật
20/06/2024 - 10:55:38
- 'Loạn' hoạt động thẩm mỹ trái phép tại Quảng Bình
20/06/2024 - 10:00:35
- Thanh Hóa: Mập mờ tên gọi Phòng khám Đa khoa Hà Thành, 'ship' bệnh nhân đến cơ sở không phép khám bệnh
12/06/2024 - 10:35:47
- Phòng khám ngoại khoa Kinhealth - Địa chỉ “vàng” cho bệnh nhân bệnh trĩ, rò hậu môn
11/06/2024 - 16:48:20
- Xử lý ‘Viện phục hồi giãn tĩnh mạch Top 1 châu Âu” hoạt động trái phép ở quận 7
24/04/2024 - 11:05:38