Một tuần sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống, số ca nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông có uống rượu, bia giảm đáng kể.
Chiều 9/1, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Việt Đức) vắng vẻ hẳn so với khoảng chục ngày trước. Chung khung cảnh đó là Bệnh viện Thanh Nhàn, Saint Paul. Đây được nhìn nhận là do Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đi vào cuộc sống khi số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông có uống rượu bia giảm đáng kể.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong khoảng 2,5 tiếng có chưa đến 10 ca bệnh cấp cứu. Một số ca bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, vài ca chuyển từ Hưng Yên, Thái Bình lên vì bị đại tràng, dạ dày. Một bệnh nhân nam giới chừng gần 60 tuổi được người nhà chở đến bằng xe máy.
Bệnh nhân này không tự đi được, cần đến 4 người đỡ mới lên được giường bệnh. Bệnh nhân cho biết có uống bia, đi bộ bị ngã đập đầu nên choáng váng. Không có bệnh nhân nào bị tai nạn giao thông khi đi xe máy, ô tô nhập viện.
Thống kê của Phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Việt Đức) cho thấy từ ngày 1 đến 7/1 tiếp nhận 305 trường hợp bị tai nạn giao thông, trong đó có 46 bệnh nhân có sử dụng rượu, bia (chiếm 11,8%). So với cùng kỳ năm ngoái con số này giảm gần 4%.
Bác sĩ Vũ Xuân Hùng, Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, thông thường tại đây mỗi ngày tiếp nhận 100-120 bệnh nhân cấp cứu, trong đó khoảng 30% có liên quan tai nạn giao thông. Tuy nhiên từ ngày Nghị định 100 có hiệu lực, số ca cấp cứu giảm 50%.
Đáng chú ý, trong 1 tuần qua, không có bệnh nhân nào nhập viện vì tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia. ThS. Bác sĩ Lê Văn Dẫn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Thanh Nhàn) thông tin, trước đây số bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu rất đông, đặc biệt có người hôn mê, nôn nhiều, suy đa tạng, phải lọc máu khẩn nhưng vẫn tử vong. Năm 2019 trở về trước, gần như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận các trường hợp ngộ độc rượu metanol.
Tuy nhiên tình trạng này đã không còn xảy ra từ khi Nghị định 100 có hiệu lực. Bác sĩ Dẫn cho biết: “Từ đợt nghỉ Tết Dương lịch đến nay, khoa chưa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân ngộ độc metanol nào. Đó là tín hiệu đáng mừng từ khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực”.
Tại Bệnh viện Hữu Nghị, từ Tết Dương lịch đến nay, số người nhập viện do tai nạn giao thông cũng giảm dần, giúp giảm tải sức ép cho đội ngũ y bác sĩ. Số liệu từ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho thấy, trước đây, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 90 ca cấp cứu, trong đó có 20% là tai nạn do lái xe có nồng độ cồn thì từ ngày 1 đến 6/1, trong tổng số gần 530 ca cấp cứu, chỉ có 44 vụ là tai nạn giao thông do lái xe có nồng độ cồn (chiếm 8,3%).
TP HCM: Tai nạn giao thông giảm
Ghi nhận tại một số bệnh viện ở TPHCM trong những ngày qua, tình trạng bệnh nhân nhập viện do ẩu đả, tai nạn giao do rượu bia vẫn còn nhưng đã giảm nhiều so với trước đây. Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh, Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh viện Thống Nhất cho biết, từ ngày 1/1 đến nay, số người nhập viện do bị tai nạn va quẹt ngoài đường chủ yếu do các lỗi bất cẩn khi tham gia giao thông, nguyên nhân do sử dụng rượu bia giảm hẳn.
“Việc nâng cao mức xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu bia không chỉ làm giảm số vụ tai nạn mà kể cả các tai nạn sinh hoạt, bị tai biến mạch máu não (do huyết áp tăng cao)... sau uống rượu bia cũng sẽ giảm đáng kể”- bác sĩ Ngọc Ánh cho hay.
Tương tự, tại bệnh viện quận 11, TPHCM, từ ngày 1-8/1, có 31 bệnh nhân nhập viện vì TNGT, trong đó, có 15 người sử dụng rượu bia (chưa đến 50%). Con số này giảm 50% so với tuần trước đó, khi nghị định 100 chưa có hiệu lực.
Trong khi đó, ghi nhận số ca nhập viện do tai nạn giao thông tại BV Chợ Rẫy trong 10 ngày qua giảm nhiều so với trước đó, đặc biệt trong 100 ca nhập viện trong hai ngày 6-7/1 thì chỉ có 5 ca trong người có nồng độ cồn.
Tại Bệnh viện Thủ Đức, nơi cửa ngõ phía Đông của thành phố, số ca cấp cứu TNGT do rượu bia đã giảm. Theo phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện này, trong 1 tuần qua, chỉ ghi nhận 2-3 ca cấp cứu tai nạn giao thông trong người có nồng độ cồn.
Đại diện bệnh viện quận 11 cho biết, số người bị tai nạn do đánh nhau khi sử dụng rượu bia cũng giảm đáng kể. Theo thống kê, tháng cuối năm 2019, số vụ tai nạn do đánh nhau nhập viện trung bình trên 30 vụ chủ yếu do sử dụng rượu bia, còn gần 10 ngày đầu năm 2020 chỉ có 6 ca nhập viện.
THÁI HÀ - NGÔ BÌNH