Thận trọng khi sử dụng thuốc ngủ
Trong xã hội hiện đại, rất nhiều người thường xuyên bị mất ngủ. Hiện có nhiều loại thuốc cho tình trạng này, song lựa chọn dùng thuốc nào cần phụ thuộc vào triệu chứng mất ngủ ở từng người.
Thuốc ngủ và việc cẩn trọng khi dùng
Hầu hết bệnh nhân đến khám đều lo lắng, cho rằng khi uống các thuốc thần kinh, đặc biệt là các loại thuốc ngủ, thuốc an thần sẽ bị nghiện hoặc tác hại đến trí nhớ hay mắc bệnh “thần kinh” sau này. Lo lắng này là hợp lý vì những khuyến cáo từ kết quả của các nghiên cứu thuốc ngủ. Tuy nhiên nếu lựa chọn đúng theo hướng dẫn, đồng thời giữ đúng quy chế sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả, thời gian sử dụng hợp lý và giảm liều dần dần khi có hiệu quả thì có thể hạn chế được các tác hại do thuốc gây ra. Việc kê toa thuốc chuyên khoa tâm thần thì phải do bác sĩ đã trải qua đào tạo chuyên sâu. Cho nên bác sĩ cũng chỉ kê đơn thuốc như một phương án sau khi dùng các phương pháp tâm lý trị liệu không hiệu quả.
Mỗi loại thuốc ngủ có thời gian bán hủy khác nhau và chỉ định chi tiết cũng rất khác nhau. Hướng dẫn điều trị của Viện Hàn lâm Giấc ngủ Y khoa Hoa Kỳ đưa ra các khuyến cáo dùng cho bệnh nhân mới bị mất ngủ hay dùng duy trì giấc ngủ các loại thuốc ngủ thông dụng, kể cả các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ bán không kê toa trong điều trị mất ngủ kéo dài (thường gọi là mạn tính). Việc lựa chọn kê toa loại thuốc nào cần dựa trên đánh giá đặc trưng của triệu chứng mất ngủ. Các loại thuốc này gồm: suvorexant, eszopiclone, zaleplon, zolpidem, triazolam, temazepam, ramelteon và doxepine.
Phác đồ hướng dẫn điều trị đề nghị các bác sĩ không sử dụng bất cứ loại thuốc nào dưới đây cho bệnh nhân mới bị mất ngủ hay để duy trì giấc ngủ (so sánh với điều trị không dùng thuốc): trazodone, tiagabine, diphenhydramine, melatonin, valerian, ramelteon.
Chỉ dùng thuốc ngủ khi thật cần thiết và được bác sĩ chuyên khoa theo dõi chặt chẽ.
Dùng thuốc như thế nào?
Từ thực tế thăm khám, bệnh nhân mất ngủ đến với bác sĩ thường đã vào giai đoạn mạn tính của mất ngủ; đã được dùng hoặc tự dùng các loại thuốc ngủ nhưng không hiệu quả nhiều. Mất ngủ là một trong các triệu chứng đặc trưng của các bệnh tâm thần thuộc bệnh suy nhược thần kinh, bao gồm: stress, các rối loạn lo âu (lo âu lan tỏa, cơn hoảng loạn, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm...). Vì vậy, nếu chỉ dùng thuốc ngủ là “không bao giờ đủ” mà phải nhìn nhận tổng thể để đưa ra chẩn đoán nhằm kết hợp sử dụng thuốc một cách hợp lý nhất. Cần lưu ý rằng sự kết hợp dùng thuốc “để dễ ngủ” ở nhóm bệnh nhân này rất dễ xảy ra tình trạng tương tác thuốc và sẽ để lại nhiều phiền phức.
Việc chỉ định dùng thuốc phụ thuộc vào mức độ mất ngủ (cấp hoặc mạn); mất ngủ thứ phát (khó khăn lúc bắt đầu ngủ hay duy trì giấc ngủ do bệnh lý kết hợp (nội khoa, tâm thần, tâm lý...); mất ngủ nguyên phát (còn gọi mất ngủ tâm sinh lý rối loạn căng thẳng hoặc do học tập, do các hoạt động ban ngày... có khuynh hướng làm trầm trọng thêm do những ám ảnh của người bệnh dẫn đến mất ngủ).
Điều trị mất ngủ nguyên phát ban đầu dùng biện pháp không dùng thuốc, như thay đổi hành vi và nhận thức. Nếu không đạt được thì điều trị thuốc dùng thời gian ngắn (ít hơn 7 ngày) hay cách khoảng (2-3 đêm/tuần) nhằm ngăn chặn mức độ trầm trọng của mất ngủ. Mục tiêu điều trị là cung cấp cho người bệnh các công cụ cần thiết để xử lý nguồn gốc mạn tính của bệnh và giảm tối thiểu sự lệ thuộc thuốc ngủ.
Những lưu ý với bệnh nhân khi sử dụng thuốc ngủ
Không được uống rượu khi dùng thuốc ngủ: Theo khuyến cáo của giới chuyên môn, sử dụng thuốc ngủ không nên uống rượu. Tuy nhiên trong thực tế có nhiều bệnh nhân không thể bỏ được rượu, trong trường hợp không kiêng được thì chỉ nên uống 1 - 2 chén rượu nhỏ hoặc 2 cốc bia trước khi uống thuốc ngủ ít nhất là 6 giờ. Bởi vì cồn có trong rượu, bia có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc ngủ.
Không ăn quá no: Ăn quá no sẽ làm khó chịu và tăng khả năng mất ngủ ở nhóm người phải dùng đến thuốc ngủ. Ăn quá no cho dù vào thời điểm nào trong ngày cũng đều gây bất lợi. Khi lượng đường trong máu tăng cao sẽ làm cho cơ thể có thêm năng lượng dẫn đến khó ngủ. Do vậy, những người mắc bệnh khó ngủ chỉ nên ăn khoảng 80% so với mức vừa đủ.
Kiểm soát stress: Trong trường hợp quá căng thẳng thì ngay cả việc đang dùng thuốc ngủ cũng sẽ kém hiệu quả. Trường hợp stress tăng cao nên gặp bác sĩ để được đổi liều hoặc sử dụng loại thuốc khác có hiệu quả hơn
Thận trọng khi kết hợp thuốc không kê đơn: Thuốc ngủ có thể tương tác với các loại dược phẩm khác như thuốc chống cảm cúm không kê đơn diphenhydramine. Khi dùng cùng 2 thuốc này dẫn đến tình trạng phản ứng nghịch, gây bất lợi và làm giảm tác dụng của thuốc ngủ. Do vậy khi phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau, kể cả thuốc không kê đơn cũng cần báo cáo với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn sử dụng nhằm tránh tương tác thuốc.
Uống thuốc đúng giờ: Hầu hết các loại thuốc ngủ có hiệu quả trong vòng 8 giờ, vì vậy cần dùng thuốc đúng giờ để tạo giấc ngủ ổn định, không nên uống thuốc sớm hoặc muộn quá sẽ làm ảnh hưởng việc thức dậy vào hôm sau.
Môi trường ngủ: Nhiều bệnh nhân mất ngủ khi đi công tác, ngay cả khi họ đang sử dụng thuốc “ru ngủ”, do lạ phòng, lạ giường. Trong trường hợp này nên mang theo vật dụng cá nhân như; chăn mỏng, gối...
BS. Phạm Văn
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/than-trong-khi-su-dung-thuoc-ngu-n180337.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Dùng thuốc tránh thai dạng viên gây tăng cân, cách nào khắc phục?
13/10/2022 - 09:30:31
- Cảm lạnh thông thường và bệnh cúm, phân biệt thế nào để dùng thuốc hiệu quả?
04/10/2022 - 09:35:50
- Cảnh giác nguy cơ tự tử khi dùng thuốc trị tăng động giảm chú ý
04/10/2022 - 09:29:49
- 12 tác dụng phụ do hóa chất điều trị ung thư và cách xử trí
03/10/2022 - 09:26:49
- Bỏ ngay 10 thói quen xấu này vì nó gây hại cho bạn
29/01/2021 - 15:36:43
- Lưu ý dùng thuốc khi cảm lạnh
28/01/2021 - 14:48:48