Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ
Sáng 14/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện kế hoạch hành động Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2013 – 2020.
Tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh chỉ ra 6 nguyên nhân gây kháng thuốc tại Việt Nam gồm: kê đơn và cấp phát kháng sinh không hợp lý như kê đơn kháng sinh với liều quá thấp hoặc quá cao, không kê đơn theo kết quả vi sinh, tiếp tục điều trị lâu hơn cần thiết; bệnh nhân sử dụng kháng sinh không kê theo đơn hoặc không đủ liệu trình; sử dụng kháng sinh quá mức cần thiết hoặc sử dụng không đúng cách trong chăn nuôi trồng thủy sản; kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt trong các cơ sở y tế và nông trại; thiếu các nhà vệ sinh, xử lý chất thải nhựa chưa thích hợp; thiếu các kháng sinh mới được sáng chế.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, nguyên nhân hàng đầu gây kháng thuốc kháng sinh đến từ tình trạng mua, bán kháng sinh không theo đơn. Người dân chỉ tới nhà thuốc, nhớ mang máng, đọc vài chữ thôi thì người bán sẽ giới thiệu nhiều loại thuốc khác nhau, có thể mua được thuốc kháng sinh dễ dàng mà không cần có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc bừa bãi, mua thuốc không theo chỉ định sẽ góp phần làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, gây hại tới cá nhân người mua và cả cộng đồng, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện nhiều loại vi khuẩn kháng đa kháng sinh, vi khuẩn kháng thuốc lan rộng từ nước này sang nước khác đe dọa sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, công tác thực hiện giám sát kháng kháng sinh tại bệnh viện còn gặp khó khăn cũng làm tăng tình trạng lây lan vi khuẩn kháng thuốc. Ngoài ra, hiện nay việc lạm dụng kháng sinh cho người để sử dụng trong vật nuôi, nuôi trồng thủy hải sản đang rất phổ biến khi người dân cho rằng sử dụng kháng sinh y tế chữa bệnh cho động vật nuôi sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt, người dân dễ dàng ra hiệu thuốc hỏi mua, thậm chí tự ý phối hợp các loại kháng sinh một cách dễ dàng. Điều này làm tình trạng dư lượng kháng sinh trong thực phẩm từ động vật nuôi, thủy hải sản gia tăng, là một nguyên nhân gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở người khi sử dụng nguồn thực phẩm này.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết: Kháng thuốc kháng sinh đang là một vấn đề nhức nhối trên thế giới. Ước tính số người tử vọng do kháng kháng sinh có thể lên tới 10 triệu người vào năm 2050. Tại Việt Nam, trong 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc (2013 – 2020) nhận thức cộng đồng về kháng thuốc đã và đang dần được nâng cao. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen sử dụng kháng sinh của người dân chưa thể dễ dàng thay đổi trong “một sớm, một chiều”, năng lực của hệ thống xét nghiệm vi sinh, giám sát tình trạng kháng kháng sinh vẫn còn nhiều hạn chế…
Do đó, để hạn chế tình trạng kháng thuốc đang ngày càng gia tăng, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại các bệnh viện để giảm tỉ lệ sử dụng kháng sinh không hợp lý; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu về kháng thuốc, xây dựng các mô hình truyền thông về kháng thuốc tại các tỉnh, kết hợp với việc nâng cao năng lực cho các phòng xét nghiệm, giám sát tình trạng dùng kháng sinh.
Để khắc phục tình trạng kháng kháng sinh, theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến: Điều quan trọng nhất cần làm trước mắt, đó là nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc hiệu quả cho chính bản thân và cộng đồng; về việc cần thiết phải mua thuốc theo đơn và có chỉ dẫn của bác sĩ, nhận thức về thuốc kháng sinh và kháng kháng sinh nguy hiểm với cộng đồng như thế nào. Đồng thời nhân cao trách nhiệm của những người được quyền sử dụng thuốc bao gồm bác sĩ, dược sĩ để kiểm soát chặt vấn đề kê đơn, bán thuốc. Cuối cùng là nâng cao chất lượng của trung tâm chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện để đảm bảo môi trường an toàn cho bệnh nhân tới điều trị.
Đức Trân
Tin nổi bật
- Dùng thuốc tránh thai dạng viên gây tăng cân, cách nào khắc phục?
13/10/2022 - 09:30:31
- Cảm lạnh thông thường và bệnh cúm, phân biệt thế nào để dùng thuốc hiệu quả?
04/10/2022 - 09:35:50
- Cảnh giác nguy cơ tự tử khi dùng thuốc trị tăng động giảm chú ý
04/10/2022 - 09:29:49
- 12 tác dụng phụ do hóa chất điều trị ung thư và cách xử trí
03/10/2022 - 09:26:49
- Bỏ ngay 10 thói quen xấu này vì nó gây hại cho bạn
29/01/2021 - 15:36:43
- Lưu ý dùng thuốc khi cảm lạnh
28/01/2021 - 14:48:48