Xử trí khó thở do hen phế quản thế nào?
Bố tôi bị hen phế quản, mặc dù đã được dùng thuốc nhưng khi thời tiết thay đổi, độ ẩm cao thì rất hay lên cơn khó thở và tím tái. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy kịch. Xin cho biết cách xử trí tại nhà khi bố tôi bị lên cơn và cách dùng thuốc như thế nào để ngăn ngừa cơn co thắt phế quản?
Chu Thị Thơm (Hà Nội)
Người mắc bệnh hen phế quản thường gặp cơn khó thở, đặc biệt là khi thay đổi thời tiết. Khi cơn khó thở xuất hiện làm người bệnh cảm giác bị ngạt, vã mồ hôi, xanh tím, thậm chí có thể gây nguy hiểm tính mạng... do đó, bệnh nhân cần được điều trị sớm. Ngoài ra, nếu để cơn khó thở kéo dài nhiều lần sẽ gây nhiều biến chứng cho phổi và tim sau này.
Các thuốc kích thích giao cảm bêta là lựa chọn hàng đầu cho cơn khó thở do hen phế quản. Bởi thuốc giãn phế quản mà không ảnh hưởng đến tim. Các thuốc nhóm này bao gồm salbutamol, terbutaline, metaproterenol... được dùng dưới dạng xịt khí dung, được tính liều sẵn. Khi lên cơn khó thở cần xịt ngay 2-3 liều, nếu sau 15 phút cơn khó thở không đỡ có thể dùng thêm 1-2 liều nữa. Đây là dùng thuốc cấp cứu cho bệnh nhân tại nhà, sau đó có thể chuyển bệnh nhân tới bệnh viện ngay nếu tình trạng bệnh không được cải thiện.
Các thuốc kích thích giao cảm beta dạng xịt thường được sử dụng khi lên cơn khó thở.
Tại bệnh viện, các thuốc làm giãn phế quản dạng tiêm như adrenalin, corticoid sẽ được bác sĩ cân nhắc cho bệnh nhân sử dụng. Cả hai loại thuốc này thì chỉ bác sĩ chuyên khoa mới được chỉ định cho bệnh nhân sử dụng và chỉ được tiêm trong bệnh viện. Bởi adrenalin tuy cũng là thuốc giãn phế quản, nhưng không chọn lọc, do đó thuốc không được dùng cho bệnh nhân có mắc bệnh tim. Các thuốc thuộc nhóm corticoid có tác dụng chống viêm, nên làm thở dễ hơn, do đó nếu dùng thuốc kích thích giao cảm bêta nêu trên mà không đỡ, thì bác sĩ sẽ cho tiêm tĩnh mạch methylprednisolon. Khí dung bằng beclomethason cũng rất tốt để cắt cơn khó thở nhanh hơn.
Các thuốc theophylin, ephedrin có tác dụng cắt cơn yếu hơn, do vậy chỉ nên sử dụng nếu không có các thuốc nêu trên. Ngoài ra, bệnh nhân cần được thở ôxy, bù nước.
Sau khi điều trị cắt cơn khó thở do hen, cần dùng thuốc điều trị để ngăn ngừa cơn trở lại. Các thuốc dự phòng cơn khó thở bao gồm: theophylin dạng viên, corticoid dạng hít, thuốc kích thích beta dạng hít, ketotifen, corticoid đường uống... Việc sử dụng thuốc như thế nào, liều lượng bao nhiêu sẽ do bác sĩ chỉ định cho từng người bệnh. Và điều quan trọng là đã có chỉ địch của thầy thuốc rồi, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn sử dụng.
BS. Lê Hồng Hà
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39