Cách cấp cứu người bị ngã từ trên cao xuống để nạn nhân khỏi liệt
Những trường hợp ngã từ trên cao hay bị vật nặng chèn ép sẽ có nguy cơ bị chấn thương cột sống cao gấp 10 lần so với các tai nạn khác. Khi xử trí cấp cứu người bị nạn nếu không đúng cách có thể nạn nhân bị liệt vĩnh viễn.
Ảnh minh họa: Internet
Theo nhiều nghiên cứu, những trường hợp ngã từ trên cao hay bị vật nặng chèn ép sẽ có nguy cơ bị chấn thương cột sống cao gấp 10 lần so với các tai nạn khác. Cụ thể, tỉ lệ gây chấn thương cột sống thắt lưng và gãy xương ngực là 80%, tỉ lệ gãy xương vùng cổ là 20%.
Các BS khuyến cáo, trong trường hợp bệnh nhân bị gãy xương vùng ngực, thắt lưng hay gãy cột sống cổ mà sơ cứu sai cách thì có thể gây liệt chân, thậm chí là liệt tứ chi người bệnh.
Do đó, khi có người ngã từ trên cao xuống thì những người xung quanh không nên bế vác dậy ngay mà cần nhanh chóng gọi xe cứu thương. Trong khi chờ nhân viên y tế tới thì cần kiểm tra xem nạn nhân có những chấn thương gì hay không. Nếu bệnh nhân tỉnh táo, chỉ bị chảy máu thì băng bó vết thương, còn nếu bị gãy tay, chân thì cần cố định vùng gãy đúng cách.
Nguyên tắc đầu tiên của cấp cứu bệnh nhân bị ngã từ trên cao xuống, nhất là những người có biểu hiện bị chấn thương ở vùng lưng và cổ là bất động, tránh di lệch các đoạn cột sống đã bị tổn thương. Bởi tất cả các sự dịch chuyển, cho dù rất nhẹ cũng sẽ gây thêm tổn thương, thậm chí gây đứt ngang tủy sống người bệnh.
Nguyên tắc đầu tiên của cấp cứu bệnh nhân bị ngã từ trên cao xuống, nhất là những người có biểu hiện bị chấn thương ở vùng lưng và cổ là bất động, tránh di lệch các đoạn cột sống đã bị tổn thương. Ảnh: Internet
Trong trường hợp nạn nhân có các tổn thương ở vùng cổ thì nên đặt đầu bệnh nhân nằm thẳng trục ở tư thế trung gian. Nghĩa là không cúi gập, ngửa hay xoay cổ, nên để đầu bệnh nhân trên nền cứng như miếng ván gỗ. Đồng thời chèn quần áo hay bao cát ở hai bên cổ để cố định, tránh trường hợp bệnh nhân xoay cổ.
Với những bệnh nhân bị chấn thương ở vùng cột sống lưng và xương ngực thì nên đặt bệnh nhân nằm sấp hoặc nằm ngửa trên cáng cứng. Sau đó cố định bệnh nhân ở 3 điểm là đầu, vai và ngang khung chậu. Tuyệt đối không lôi, kéo hay lật trở bệnh nhân. Khi vận chuyển bệnh nhân, nếu không có cáng cứng thì cần có người luôn đi sát để đỡ bệnh nhân, phòng trường hợp cột sống bị dịch chuyển.
Đối với những trường hợp nặng, cần cấp cứu hồi sinh tim, phổi hay trường hợp gãy cột sống cổ gây ngừng thở thì phải chú ý, vừa cấp cứu theo các bước cấp cứu ngừng tim ABC vừa kết hợp với cố định, tránh di lệch cột sống người bệnh. Tránh khiêng, xốc, vác nạn nhân trên lưng hay khiêng bằng cáng mềm, chở bệnh nhân bằng xe đạp, bẻ gập lưng trong xe taxi… Vì những hành động này sẽ làm tăng thêm các tổn thương cột sống người bệnh.
Quảng An
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39