Vụ học sinh trường tiểu học Kim Giang ngộ độc thực phẩm sau chuyến dã ngoại: Đơn vị cung cấp thức ăn đã bị xử phạt
Công ty Ngôi sao xanh - đơn vị cung cấp thức ăn cho học sinh trong chuyến dã ngoại đã bị xử phạt hành chính.
Ngày 9/4, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vừa nhận được thông báo sau gần hai tuần xảy ra vụ việc hơn 50 học sinh của trường bị ngộ độc khi đi dã ngoại về. Cụ thể, Ban Giám hiệu Trường tiểu học Kim Giang đã tổ chức họp đại diện Ban Phụ huynh về sự việc ngày 28/3 với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến.
Cuộc họp đã thống nhất một số điều sau: Các cơ quan chức năng đã chính thức kết luận nguyên nhân là ngộ độc thực phẩm, cụ thể là do vi khuẩn tụ cầu vàng trong món gà tẩm bột chiên. Công ty Ngôi sao Xanh - đơn vị cung cấp thức ăn cho học sinh trong chuyến thăm quan đã bị xử phạt hành chính 180 triệu đồng. Nhà trường một lần nữa gửi lời xin lỗi chân thành đến các phụ huynh và học sinh.
Về bếp ăn tại trường, hiện nhà trường đã tạm dừng bếp ăn tại trường, tiến hành khử khuẩn và vệ sinh lại toàn bộ khu bếp ăn. Toàn bộ ê-kip nấu ăn và vận chuyển của Công ty Ngôi sao Xanh làm việc tại trường đã bị cho nghỉ việc.
Học sinh Trường Tiểu học Kim Giang bị ngộ độc thực phẩm sau khi đi dã ngoại.
Đối với việc thực hiện bữa ăn bán trú cho học sinh, nhà trường vẫn thực hiện bán trú với các suất ăn được công ty nấu và mang đến trường với sự giám sát nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, thực đơn bữa ăn đã được điều chỉnh theo đề xuất của các phụ huynh, hạn chế đồ chiên rán, đồ đông lạnh.
Trước đó, ngày 28/3, Trường tiểu học Kim Giang tổ chức cho học sinh khối lớp 1 và lớp 2 đi thăm quan dã ngoại tại trang trại Cánh Buồm Xanh. Tổng số học sinh tham gia là 915 em, trong đó: khối 1 có 411 hóc sinh, khối 2 có 504 học sinh.
Khi về đến trường khoảng 56 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Đến 16h ngày 28/3, có 50 học sinh đang đi khám sàng lọc tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Xây dựng. Các cháu còn lại đã được phụ huynh đón về tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà.
Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Món ăn gồm: Cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo Kinh Đô. Thời gian ăn trưa lúc 11h00 trong ngày 28/3.
Về đơn vị cung cấp thức ăn cho học sinh trong chuyến thăm quan, Trường Tiểu học Kim Giang đã ký hợp đồng Công ty Cổ phần thực phẩm Ngôi Sao Xanh (Trụ sở tại Tập thể Công ty Bắc Hà, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội) theo Hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú số 06/2022/HĐ-NSX.
Tổ điều tra đã lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu thức ăn dã ngoại, mẫu thức ăn tại trường (cơm trắng, thịt xay sốt chua ngọt, đậu rán tẩm hành, bí xanh xào, canh chua nấu thịt, bánh quy) lưu tại trường, gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia.
Sở Y tế Hà Nội cho biết nguyên nhân ban đầu khiến nhiều học sinh tại Trường Tiểu học Kim Giang ngộ độc phải nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn.
Những dấu hiện cha mẹ có thể nhận biết khi trẻ bị ngộ độc
TS.BS Lê Ngọc Duy – Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa ra những dấu hiệu để cha mẹ có thể nhận biết khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm:
Triệu chứng khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm:
Về tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn, nôn trớ, tiêu chảy; Về hô hấp: Ho, thở nhanh, khó thở, tím tái; Về thần kinh: Co giật, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, rối loạn nhịp tim hoặc hôn mê.; Dấu hiệu tăng tiết: Đờm nhớt, dịch tiêu hóa, mồ hôi, nước bọt.
"Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc, cha mẹ phải chú ý kỹ xung quanh để tìm những vật nghi ngờ gây độc và liên hệ điện thoại đến bệnh viện để được hướng dẫn cách sơ cứu thích hợp. Khi đưa trẻ đến bệnh viện, phải đem theo những vật nghi ngờ gây ngộ độc" – TS.BS Lê Ngọc Duy khuyến cáo.
Cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Khi nhận thấy dấu hiệu trẻ ngộ độc thực phẩm, mọi người nên gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Trong khi chờ đợi vận chuyển đến cơ sở y tế nên để trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước (khát, li bì, niêm mạc miệng mũi khô, tiểu ít,…) của trẻ do ói mửa, tiêu chảy để đảm bảo bù nước cho đầy đủ. Cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải. Nếu trẻ sốt cao có thể dùng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol 10-15 mg/ kg/ lần x 4-6h/ lần (tối đa 0,5g/ lần và 2g/ngày). Tạm ngừng việc sử dụng thức ăn, thuốc nghi ngờ gây ngộ độc, giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn, thuốc đã dùng để đi xét nghiệm và báo ngay cho cơ quan y tế.
Tin nổi bật
- Mướp đắng có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng ai không nên ăn?
12/06/2024 - 10:47:07
- Bị ngộ độc thức ăn tại nhà nên uống nước gì?
18/03/2024 - 17:23:23
- Những món ăn dễ tạo nồng độ cồn
05/03/2024 - 11:12:44
- Điều gì xảy ra khi uống quá nhiều trà chanh?
28/02/2024 - 10:47:30
- Thịt trữ ngăn đá nhiều ngày có gây ung thư?
20/02/2024 - 10:41:00
- Cứu sống nam thanh niên ngừng tuần hoàn do ăn lá ngón
23/06/2023 - 15:09:55