Tìm đến sự khỏe mạnh, an yên từ thiền
Trước kia, phương pháp thiền chủ yếu được phổ cập trong giới Phật giáo bởi lẽ những người tu hành đòi hỏi phải khổ luyện, tĩnh tâm với chính bản thân mình để vượt qua những ham muốn dục vọng đời thường (đó là ham muốn vật chất, quyền lực, nhu cầu...).
Cuộc sống năng động hối hả, thay đổi nhanh chóng hàng ngày, áp lực tinh thần, những stress tâm lý... làm rối loạn các chức năng sinh học của cơ thể mà gây nên đủ các thứ bệnh tật, có khi dẫn đến cực đoan bất mãn, tự tại… Thiền là phương pháp hiệu quả lấy lại cân bằng tinh thần trong cuộc sống, giải tỏa stress.
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi chúng ta phải chịu biết bao nhiêu những tác động không nhỏ của môi trường, xã hội. Cơ thể chúng ta phải tiếp nhận chúng, từ đó có những phản ứng biến đổi thông qua hệ thống nội tiết, thần kinh và thần kinh thể dịch. Trong đó có những biến đổi có lợi, có những biến đổi bất lợi dẫn đến bệnh tật. Thiền có vai trò giảm những kích ứng bất lợi giúp cho cơ thể cân bằng và ổn định, loại bỏ hay giảm đi sự phát sinh phát triển của bệnh tật. Chính vì lẽ đó, ngày nay, thiền không chỉ còn trong giới Phật giáo mà đã được y học nghiên cứu ngày càng nhiều tác dụng của phương pháp thiền với sức khỏe. Thiền chính là một phương pháp tập luyện để giúp con người sống được với hiện tại và tĩnh được cái tâm để lấy lại được sự bình an trong tâm hồn.
Lợi ích của thiền đối với sức khỏe
Xuất phát từ những nghiên cứu khoa học mà người ta thấy được thiền có tác dụng như:
Hạ thấp sóng não và giảm chuyển hóa
Những tác động hàng ngày của môi trường xã hội làm tinh thần chúng ta luôn trong tình trạng căng thẳng dễ gây nên những rối loạn hoạt động nội tiết, rối loạn chuyển hóa. Tập thiền giúp não tăng khả năng chịu đựng, nhu cầu sử dụng ôxy ít hơn, sóng não hạ thấp tương ứng với tình trạng an tĩnh của cơ thể, thư giãn cơ bắp làm tâm lý thoải mái và tinh thần minh mẫn hơn, giảm chuyển hóa tiêu hao năng lượng, cải thiện chức năng sinh lý và nâng cao khả năng chống lại những tác động bất lợi của môi trường bên ngoài.
Phát triển trí não và làm chậm sự lão hóa
Theo GS. Sa W, La szar - Trường đại học Harvard cùng GS. Hebert Benson tại Bệnh viện Massachusettets General Hospital (MGH), thiền có tác dụng gia tăng chức năng của bộ não, tăng cường khả năng tập trung tư tưởng và cải thiện lão hóa. Đặc biệt, tăng độ dày của phần vỏ não tương phản với quá trình thoái hóa não ở người già.
Điều trị các bệnh tâm thể
Các nhà khoa học đã chứng minh được thiền có tác dụng hoạt hóa “vùng não trước trán bên trái” - nơi có các tế bào thần kinh cho ta cảm giác phấn khởi, an lạc. Theo GS. Hebert Beson, phần lớn bệnh nhân đều liên quan tới stress. Họ đáp ứng rất kém với thuốc và phẫu thuật nhưng lại đáp ứng rất tốt với liệu pháp tiếp cận tâm thể. Đối với những bệnh có nguồn gốc tâm lý liệu pháp, thiền là cách chữa tận gốc. Vì thiền có tác dụng giải tỏa căng cơ, giải tỏa lo âu, giải tỏa bất an, giảm hoạt hóa các nội tiết tố stress như các bệnh tim mạch, chứng đau nửa đầu, tăng huyết áp, mất ngủ lo âu, hoảng loạn...
Cải thiện rối loạn cường dương
Hoạt động cường dương là nhờ các hệ phó giao cảm mạch máu và vật hang giãn nở ra, thu hút máu đến gây cương. Hệ giao cảm co mạch làm cản trở hoạt động cương cứng dương vật. Nên khi bị căng thẳng, lo lắng hay do thần kinh yếu, thần kinh thực vật dễ bị rối loạn mà ảnh hưởng đến quá trình cường dương hay xuất tinh sớm... Thiền là biện pháp bổ sung hữu hiệu điều hòa thần kinh và nội tiết làm cho đàn ông tăng sức bền.
Cải thiện hành vi
Theo nghiên cứu của Trường đại học Vivecanand ở New Delhi với tù nhân nhận thấy, đánh giá các tiêu chuẩn về lòng tự trọng, khả năng ổn định cảm xúc và tinh thần trách nhiệm đối với xã hội ở nhóm tù nhân được tập thiền cao hơn rõ rệt so với nhóm tù nhân không được tập thiền. Nghiên cứu của GS. David Kavanagh - Trường đại học Queensland cho thấy, tập thiền còn giúp con người loại bỏ những tật xấu như hay uống rượu, ăn vặt dẫn đến béo phì...
Nâng cao chỉ số thông minh cảm xúc
Trong nhịp sống nhanh và tính cạnh tranh ngày càng cao hiện nay, mọi người đều dễ bị tác động bởi stress thì hành thiền làm gia tăng khả năng kiểm soát cảm xúc, lòng tự tin và sự hứng khởi trong công việc, đó là khâu quan trọng giúp nâng cao chỉ số thông minh cảm xúc (EQ).
Khai mở các huyệt Luân xa trên các mạch Nhâm, mạch Đốc
Cơ thể chúng ta khi bị bệnh hay khi những chỗ nào mất cân bằng thì chỗ đó phát sinh ra bệnh tật hay đau yếu, chỗ nào cân bằng chỗ đó khỏe mạnh. Người ta cho rằng năng lượng của vũ trụ được thu vào trong cơ thể, nó tự động chuyển hóa thành năng lượng sinh học, từ đó tìm đến những chỗ mất cân bằng để tái tạo lại sự cân bằng thông qua các huyệt đạo luân xa. Ở người tập thiền, khả năng tiếp nhận năng lượng của vũ trụ nhiều hơn và tất nhiên năng lượng của cơ thể cũng mạnh hơn.
Không gian ngồi thiền
Để ngồi thiền cần sự hỗ trợ rất lớn từ không gian. Cần tìm một nơi yên tĩnh, thoáng khí, sạch sẽ. Nên ngồi trong phòng, không nên ngồi ngoài trời bởi không gian rộng lớn không giới hạn sẽ làm chúng ta khó lắng tâm và tập trung được. Hơn nữa, các điều kiện ngoại cảnh khác cũng dễ gây phân tâm hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe như trúng gió, cảm lạnh...
Thời gian ngồi thiền
Nên thiền khi bụng đói hoặc sau khi ăn khoảng 2 - 3 tiếng. Bởi sau khi ăn, năng lượng cơ thể phải tập trung cho các cơ quan tiêu hóa, tâm trí trở nên thụ động và khó tập trung hơn. Thực hiện thiền thường xuyên và đều đặn theo những thời điểm nhất định tùy vào điều kiện, tốt nhất là lúc mặt trời mọc và lặn (trước bữa ăn sáng và trước bữa tối) hoặc trước khi đi ngủ.
Tư thế ngồi thiền
Ngồi kiểu Miến Điện: Cả hai chân xếp chéo nhau đặt đều trên đệm.
Ngồi Bán kiết già:Đặt chân trái lên đùi phải hoặc chân phải đặt trên đùi trái.
Ngồi Toàn kiết già:Hai chân được khóa vào nhau, trước hết đặt bàn chân phải lên đùi trái rồi đem bàn chân trái đặt lên đùi phải. Kéo sát chân vào trong thân để ngồi được lâu hơn. Còn bàn tay trái để lên bàn tay phải hoặc ngược lại. Hai bàn tay để lên hai lòng bàn chân, những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau nằm ngay chiều rốn, cùi chỏ vừa ôm hông là được.
Ngồi kiểu Nhật Bản: Ngồi trên một ghế nhỏ, hai chân để dưới chân ghế. Cũng có thể dùng một cái gối nhỏ đặt lên trên hai chân và mông ngồi trên đó.
Ngồi trên ghế: Hai bàn chân đặt trên mặt thảm. Cũng có thể ngồi trên bồ đoàn đặt trên ghế. Tư thế lưng cũng giống như các thế ngồi trên.
Chú ý, bất cứ kiểu ngồi thiền nào thì xương sống cũng phải hoàn toàn ở vị trí thẳng đứng: Xương sống không nghiêng bên trái cũng không ngả bên phải, không cúi tới trước cũng không ngả về phía sau. Đây là tư thế tọa thiền đúng cách, vững chãi và hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của tọa thiền là tâm tọa.
Thiền chính là một phương pháp tập luyện để giúp con người sống được với hiện tại và tĩnh được cái tâm để lấy lại được sự bình an trong tâm hồn. |
TS.BSCKII. Trần Lập Công
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39