Sản phụ ngưng tim nguy kịch lúc lâm bồn, chồng nghẹn ngào tìm 400 triệu mong cứu vợ về nhìn mặt con đầu lòng
Nửa đêm, anh Dương Văn Lợi ngồi ngoài phòng sanh nóng ruột chờ đợi con trai đầu lòng chào đời. Tiếng bác sĩ gọi vang, người chồng vui mừng chạy đến nhưng rồi điếng người khi nghe vợ đang lâm vào cơn nguy kịch.
"Tít tít tít…" – tiếng máy trợ thở dồn vang trong phòng cách ly. Đôi mắt chị Nguyễn Thị Thúy Mai (quê Đồng Nai) vẫn nhắm nghiền. Gương mặt chị tím tái, còn chân thì bầm tím, tim đập thoi thóp. Để đứa con trai đầu lòng được chào đời khỏe mạnh, an toàn, cái giá mà chị phải trả quá đắt.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Thúy Mai.
Con vừa chào đời, vợ ngưng tim nguy kịch
Khám cho nữ bệnh nhân, bác sĩ Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy lắc đầu: Tình trạng co bóp tim của sản phụ chỉ còn có 6%, bằng 1/10 so với người bình thường. Vô cùng yếu.
Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Lật giở hồ sơ bệnh án, bác sĩ cho biết sản phụ Mai còn rất trẻ, thai kỳ hoàn toàn bình thường và ngày dự sinh cũng đúng.
Thai 37 tuần tuổi, ban đầu các bác sĩ và cả bệnh nhân đều dự định sẽ sinh thường. Nửa đêm 10/3, chị Mai được đưa vào phòng sanh.
Bệnh nhân Mai nguy kịch trong lúc sinh.
Tuy nhiên, cố gắng mãi mà vẫn không rặn được, sản phụ dần đuối sức. Không còn cách nào khác, cuộc mổ bắt con được tiến hành lập tức.
Nữ bệnh nhân được chuyển lên Sài Gòn ngay trong đêm.
Đứa trẻ nặng hơn 3kg được đưa ra khỏi bụng mẹ khỏe mạnh. Nhưng khi con trai vừa an toàn, tính mạng người mẹ bất ngờ bị đặt vào thế "ngàn cân treo sợi tóc".
Huyết áp bệnh nhân tụt nhanh, tim đập rất yếu và lâm dần vào suy tuần hoàn.
Bệnh nhân được hỗ trợ thở liên tục.
"Bệnh nhân được chuyển ngay vào khoa Hồi sức cấp cứu để sử dụng máy ECMO, thuốc vận mạch để hỗ trợ tuần hoàn. Lúc này, sản phụ bất ngờ ngưng tim trên bàn mổ nhưng được nhồi tim ngoài lồng ngực kịp thời.
Sau hơn 1 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân có cải thiện một chút. Tuy nhiên tình trạng co bóp tim rất thấp. Ngoài suy tim, phổi bệnh nhân cũng bị phù và rất xấu. Với trái tim yếu ớt như vậy nếu không có máy ECMO, có lẽ bệnh nhân đã không thể cầm cự đến giờ này" – bác sĩ điều trị chia sẻ.
Ca phẫu thuật căng thẳng lúc nửa đêm.
Theo bác sĩ, bệnh cơ tim chu sinh thường gặp ở sản phụ trên 30 tuổi, thường được phát hiện trong đầu tháng sau sinh. Trường hợp phát hiện bệnh vào tháng cuối thai kỳ ít gặp hơn.
Nguy cơ mắc bệnh này thường nằm ở sản phụ đa thai, sinh nhiều lần, có tiền sử tăng huyết áp hoặc tiền sản giật.
Chị Mai tạm qua cơn nguy kịch nhưng còn rất yếu.
Cơ tim chu sinh là vấn đề liên quan đến cơ tim, làm cơ tim co bóp yếu xung quanh cuộc sinh nở. Bệnh không có nguyên nhân rõ ràng, có thể do liên quan đến kháng thể miễn dịch, thay đổi hệ miễn dịch của người mẹ ở quá trình sinh nở. Bệnh cũng có thể do nhiễm virus.
Biểu hiện của bệnh thường là khó thở suy tuần hoàn, phù ngoại biên… Cách tốt nhất để kịp thời can thiệp bệnh là tuân thủ lịch khám thai và hướng dẫn chăm sóc thai từ bác sĩ.
"Vợ em phải sống để về nhìn mặt con trai"
Trở lại với trường hợp của sản phụ Mai, sác sĩ Đại cho biết hoàn cảnh gia đình bệnh nhân này rất khó khăn. Mới cưới nhau khoảng 1 năm, anh Lợi – chị Mai từ Đồng Nai xuống Sóc Trăng sinh sống, vợ ở nhà nội trợ còn chồng thì ai thuê gì làm đó.
Hiện sức co bóp tim của sản phụ chỉ còn 6%.
Chỉ trong 1 đêm điều trị, viện phí bệnh nhân đã hơn 130 triệu đồng.
Để đủ tiền cho vợ đi sinh, anh Lợi cày hùng hục như trâu, gom góp mãi mới chuẩn bị được 10 triệu đồng. Nhưng nhiêu đây thì thấm tháp vào đâu.
Mới 1 đêm chạy ECMO và sử dụng thuốc liều cao, viện phí đã lên đến 130 triệu đồng. Không có bảo hiểm y tế nên mỗi ngày, bệnh nhân phải đóng thêm khoảng 20 triệu.
Các bác sĩ cố gắng hết sức để cứu chữa cho bệnh nhân cũng như động viên tinh thần người chồng
"Dự kiến bệnh nhân phải nằm ít nhất 2 tuần nếu phục hồi tốt, như vậy viện phí có thể vượt ngoài con số 400 triệu đồng.
Khi nghe chung tôi nói chuyện này, gia đình vô cùng hốt hoảng. BV đang cố gắng nhờ phòng công tác xã hội kêu gọi các nguồn lực bên ngoài hỗ trợ.
Hằng năm BV Chợ Rẫy tiếp nhận khá nhiều trường hợp sản phụ bị viêm cơ chu tim.
Những trường hợp đưa vào sớm và điều trị kịp thời thì tiên lượng rất tốt, hầu như không để lại di chứng về sức khỏe và khả năng sinh nở sau này" – Bác sĩ Phan Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy chia sẻ.
Được bác sĩ cho vào khoa trong khoảng thời gian thăm nuôi ngắn ngủi, anh Dương Văn Lợi tâm sự, nửa đêm hôm đó anh đang ngồi ở bệnh viện hồi họp chờ tin vui.
Mới có con đầu lòng nên người chồng trẻ mừng lắm, cứ trông chờ được bác sĩ gọi vào. Nhưng không chỉ báo tin vui rằng đứa trẻ đã bình an, khỏe mạnh, bác sĩ cũng đem hung tin đến cho anh.
Đôi bàn tay thô ráp của anh chưa biết bấu xíu vào đâu để lo viện phí.
"Lúc bác sĩ nói vợ em có vấn đề ở tim nặng lắm, phải chuyển đi gấp em rất bấn loạn. Tới hồi lên đến Chợ Rẫy, nghe vợ em bị ngưng tim, phải chạy máy ECMO tốn hơn 100 triệu rồi, mỗi ngày phải tốn thêm 15-20 triệu nữa, em muốn điếng người. Gia đình em ai cũng nghèo nên không mượn được ai. Em lên lo cho vợ gấp, con trai em còn nằm ở dưới Cần Thơ…".
Nói đến đây, anh Lợi bần thần. Không biết vì anh nhớ con trai hay bởi cay đắng khi bất lực trước số viện phí khổng lồ vừa ập lên đầu.
"Mẹ vợ em vừa chạy về quê xin địa phương xét duyệt hoàn cảnh khó khăn rồi. Em chỉ làm mướn, ai mướn gì làm đó nên… Mong các mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp đỡ cho em, chứ em… Vợ em phải sống để về nhìn mặt con trai" – người chồng nói bằng giọng ngập ngừng và nghẹn thắt, bởi đầu óc anh đang rối bời.
Độc giả muốn giúp đỡ hoàn cảnh bệnh nhân Nguyễn Thị Thúy Mai vui lòng liên hệ trực tiếp chồng bệnh nhân qua số điện thoại: 0794251627.
Hoặc liên hệ phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy. Số ĐT: 028.38552486
Số tài khoản BVCR: 0071000077458, Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Sài Thành.
Ủng hộ ghi rõ: "Giúp đỡ cho hoàn cảnh bệnh nhân Nguyễn Thị Thúy Mai, khoa ICU".
Xin chân thành cảm ơn!
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- 7 bước theo dõi và kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà
24/01/2024 - 15:20:40
- 6 dấu hiệu cảnh báo bệnh tim trên da
20/06/2023 - 14:06:54
- Mổ tim cho người bệnh không nói, không thở được bằng miệng
14/06/2023 - 15:50:38
- Người bệnh huyết áp thấp nên lưu ý gì trong ngày hè
29/05/2023 - 10:15:51