Sai lầm tai hại khiến con thối mủn xương hàm, mù mắt khi chữa sởi
Kiêng cứ quá mức khi mắc sởi có thể khiến trẻ thối mủn hết xương hàm hoặc có nguy cơ mù loà vĩnh viễn.
Tăng đột biến, trên 90% không tiêm phòng
Hiện tại, dịch sởi đã bùng phát tại 44/63 tỉnh, thành phố. Sau dịch sởi 2014, dù số ca mắc năm nay chưa bằng song tình hình dịch diễn biến khá phức tạp, nhiều BV trong tình trạng quá tải.
Tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ, GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV cho biết, nếu năm 2018 cả BV chỉ tiếp nhận 86 ca mắc sởi thì chỉ riêng tháng 1 năm nay đã điều trị hơn 200 ca. Số ca mắc sởi phải nhập viện điều trị chiếm 50% số ca đến khám. Các bệnh nhân chủ yếu đến từ Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam...
Hiện mỗi ngày BV tiếp nhận trung bình 3-5 bệnh nhân. Cả 2 cơ sở của BV đang điều trị, theo dõi hơn 30 trường hợp mắc sởi cả người lớn và trẻ em. Đáng lưu ý, trong số các ca nhập viện, hơn 90% chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Bé Ngọc bị biến chứng viêm phổi do sởi. Ảnh: T.Hạnh
Điển hình như trường hợp bệnh nhi Dương Lê Bảo Ngọc, 27 tháng tuổi ở Phù Từ, Hưng Yên. Chị Đan, mẹ bé Ngọc cho biết, cách đây gần 1 tuần, bé Ngọc sốt cao 38-38.5 độ kèm ho nhưng gia đình chỉ nghĩ sốt bình thường nên dùng hạ sốt nhưng liên tiếp 3 ngày không đỡ.
Vội vã đưa con đến phòng khám tư gần nhà, bác sĩ phát hiện trên cơ thể bé bắt đầu có những nốt ban, lợi đỏ, miệng xuất hiện nốt trắng, khuyên gia đình chuyển đến khoa Nhi, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ điều trị. Ngay lập tức, bác sĩ chỉ định nhập viện với chẩn đoán bị viêm phổi do mắc sởi.
Vẻ mặt hối hận, chị Đan cho biết, lúc 9 tháng, chị có bế con đi tiêm phòng sởi nhưng bé Ngọc bị sốt nên quay về. Sau đó vì công việc làm thuê trên Hà Nội bận rộn nên chị quên lịch tiêm.
Sau 3 ngày nằm viện, hiện em gái song sinh của Ngọc ở quê cũng đang có dấu hiệu sốt cao nghi mắc sởi lây từ chị.
Cùng phòng với bé Ngọc, có trường hợp bệnh nhi 4 tháng tuổi ở Phú Xuyên, Hà Nội bị lây sởi từ mẹ, hiện đang theo dõi viêm tiểu phế quản.
Thối hàm vì kiêng nước
GS Kính cho biết, trẻ nhỏ có miễn dịch kém, nếu mẹ không được tiêm phòng, khi trẻ mắc bệnh sẽ có nguy cơ bị biến chứng rất lớn, đặc biệt trên các bệnh nhân có sẵn bệnh lý nền. Đơn cử, nếu trẻ bị tim bẩm sinh không may mắc sởi, 70% có nguy cơ tử vong.
“Biến chứng hàng đầu là viêm phổi, viêm thanh quản gây phù nề khiến trẻ khó thở, thậm chí nhiều cháu tắc thở, khi đến BV đã ngừng thở, bác sĩ phải cấp cứu 2 tiếng liên tục”, GS Kính thông tin.
GS Kính khuyến cáo, cha mẹ không nên kiêng cữ quá mức cho con khi mắc sởi
Tuy nhiên biến chứng nghiêm trọng nhất là viêm não, xảy ra ở cả người lớn và trẻ em khiến bệnh nhân lơ mơ, hôn mê, co giật và có thể tử vong. Tại BV Bệnh nhiệt đới từng điều trị cho bé trai 2 tuổi ở Hà Nội bị liệt toàn thân do viêm não sau sởi, điều trị suốt 6 tháng ròng.
Biến chứng khác hay gặp là tiêu chảy, nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây truỵ mạch.
Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, khi mắc sởi, hoàn toàn có thể chăm sóc tại nhà với những trường hợp mắc nhẹ.
Song nhiều gia đình chủ quan, giao con cho ông bà ở nhà nên không kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường, khi đến viện đã ở giai đoạn biến chứng muộn.
“Một số trường hợp khác cũng điều trị ở nhà nhưng nghe theo truyền miệng kiêng cữ quá mức, cả tuần không tắm, không vệ sinh răng miệng gây thối xương hàm do bị cam tẩu mã. Có trường hợp không vệ sinh mắt dẫn đến viêm giác mạc, nguy cơ mù”, GS Kính dẫn chứng.
GS Kính cho biết, thường sau 1-2 ngày mắc bệnh, trẻ sẽ bắt đầu xuất hiện ban đỏ, ban đầu mọc ở sau tai, sau lan ra gáy rồi lên trán, cổ, sau mới xuống thân, tứ chi. Thường sau 7-10 ngày, bệnh sẽ khỏi.
Khi chăm tại nhà, bệnh nhân nên uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, ở phòng riêng, ăn uống đủ chất, tắm hoặc lau rửa người bằng nước ấm. Có thể ăn cháo tía tô hoặc canh hẹ giúp thanh nhiệt.
Riêng với các trường hợp có nguy cơ biến chứng, cần theo dõi sát thân nhiệt, với trẻ nhỏ là 3 tiếng/lần. Cha mẹ cần theo dõi sát, khi sốt cao liên tục không hạ, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế thăm khám.
Để phòng tránh sởi, GS Kính khuyến cáo, phụ nữ trước kết hôn chưa tiêm phòng sởi, chưa bị sởi nên tiêm phòng và nên nhắc lại 5 năm/lần. Với trẻ nhỏ, từ 9 tháng tuổi bắt đầu tiêm phòng sởi mũi 1 và tiêm nhắc lại khi được 18 tháng.
Thúy Hạnh
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39