Nhiều bệnh nhân suýt chết được cứu sống bằng "kỹ thuật thế giới, chi phí Việt Nam"
Từ ngày 11-12/4/2019, tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh diễn ra Hội nghị khoa học toàn quốc chuyên ngành Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam lần thứ 19 do Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam tổ chức.
Hội nghị lần này có sự tham gia của hơn 800 đại biểu với gần 80 báo cáo của 17 chủ đề, trong đó có nhiều báo cáo khoa học quan trọng như: Xử trí nhiễm khuẩn nặng trên bệnh nhân hồi sức tích cực, Dinh dưỡng lâm sàng, Suy gan cấp, Cập nhật về thông khí nhân tạo, Viêm tụy cấp, Hồi sức thần kinh, Cập nhật chẩn đoán và điều trị nhiễm nấm xâm lấn, ECMO, Thận - Lọc máu, Chăm sóc điều dưỡng bệnh nhân thở máy, Chống độc, Cấp cứu tim mạch...
Đây là dịp để các đại biểu y khoa trong nước có cơ hội học hỏi, trao đổi, tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, sử dụng trong chẩn đoán và điều trị. Từ đó, góp phần cứu chữa thành công nhiều ca bệnh khó, hiểm nghèo, giúp chuyên ngành phát triển vươn tầm các nước tiên tiến trong khu vực và từng bước hội nhập thế giới.
Việt Nam đã ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong hồi sức cấp cứu giúp cứu sống nhiều ca bệnh nặng.
Cấp cứu trước viện – Vấn đề cần quan tâm
GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam cho biết, với phương châm khoa học, thiết thực và hiệu quả, mục đích làm sao phục vụ tốt nhất cho nhu cầu các bệnh viện cũng như của người dân, ban tổ chức đã nhận được rất nhiều báo cáo của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Trong đó có các chủ đề như: Cập nhật về chiến lược điều trị các tình trạng sock, bệnh nhân suy thận nặng, chiến lược thở máy trong bệnh viện cho bệnh nhân nặng, các chiến lược điều trị hiệu quả hơn trong trường hợp suy gan cấp, viêm tụy cấp… Đây là các chủ đề rất thời sự và là những vấn đề đang nổi lên ở nước ta hiện nay.
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, Việt Nam đã ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong hồi sức cấp cứu như: công nghệ tim phổi nhân tạo, kỹ thuật lọc máu liên tục, một số kỹ thuật thông khí nhân tạo đặc biệt... Nhờ đó mà có nhiều bệnh nặng, tiên lượng tử vong cao đã được các bác sĩ hồi sức cấp cứu chống độc cứu sống ngoạn mục.
Tại hội thảo lần này cũng đề ra các chiến lược về cấp cứu ban đầu trước bệnh viện, theo GS. Bình, đó là những việc làm hết sức cần thiết và hiệu quả. Trong thời gian qua, Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam đã đồng hành với nhiều cơ quan báo chí xây dựng nhiều chương trình, clip hướng dẫn cấp cứu ban đầu cho người dân một cách đơn giản, hiệu quả, dễ hiểu để mọi người tự cứu mình trong các trường hợp khẩn cấp trước khi được hỗ trợ bởi nhân viên y tế.
“Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam cũng đã đề ra rất nhiều việc phải làm. Mặc dù với áp lực luôn luôn quá tải trong các bệnh viện nhưng với sự say mê nghề nghiệp cũng như sự ủng hộ của cả cộng đồng xã hội, để đáp ứng nhu cầu của người dân thì chúng tôi đã và đang tiếp tục cố gắng hoàn thành các chương trình đó trong vòng 1-2 năm tới”- GS. Bình cho hay.
GS.TS Nguyễn Gia Bình phát biểu tại hội thảo.
Thu hẹp khoảng cách y tế với các nước
Theo Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, mặc dù Việt Nam là một nước đang phát triển, về chi phí cho y tế chúng ta là một trong những nước thấp trên thế giới, tuy nhiên riêng trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, trình độ kinh nghiệm của các bác sĩ Việt Nam ngày càng được nâng cao và cập nhật liên tục. Khoảng cách của chúng ta so với các nước đang phát triển, đặc biệt so với các nước trong khu vực Đông Nam Á hầu như không thua kém.
“Chúng tôi cố gắng lựa chọn áp dụng nghiên cứu những vấn đề mới nhất, thiết thực nhất và hiệu quả nhất thế giới đã làm hoặc đang làm thì sẽ áp dụng ngay tại Việt Nam. Mục đích là để làm sao cứu được nhiều bệnh nhân nặng với chi phí thấp nhất có thể được”- chuyên gia hồi sức cấp cứu nói.
Đánh giá về những hoạt động trong thời gian qua của Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết: Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực và lớn mạnh không ngừng. Đặc biệt, Hội đã có công rất lớn trong việc tư vấn cho Bộ Y tế ban hành Quy chế Hồi sức cấp cứu và chống độc. Quy chế ban hành đã được các Sở Y tế, các BV trong cả nước hoan nghênh và thực hiện nghiêm túc.
“Mạng lưới Hồi sức cấp cứu và chống độc được tổ chức một cách chuyên nghiệp, chuyên sâu và ngày càng hoàn thiện. Việc cứu chữa người bệnh từ lúc nhập viện vào Khoa Cấp cứu đến khi vận chuyển vào các chuyên khoa hoặc Khoa Hồi sức tích cực được tổ chức rất đúng quy chế, quy trình chuyên môn ở hầu hết các BV. Từ đó nâng cao được chất lượng cấp cứu và điều trị cho người bệnh”- PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh.
Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên tặng hoa chúc mừng và đánh giá cao hoạt động của Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam trong thời gian qua.
Cũng theo Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, ngoài việc phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu tại Khoa hồi sức cấp cứu và chống độc của các BV; chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các BV tuyến cơ sở, Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam đã thể hiện được vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cán bộ y tế - trong đó đáng chú ý là sự cố chạy thận nhân tạo tại tỉnh Hòa Bình.
Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với Hội Dinh dưỡng lâm sàng TP.HCM tổ chức tập huấn, đào tạo liên tục và xây dựng Hướng dẫn dinh dưỡng trong điều trị bệnh nhân nặng… nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Dương Hải
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55