"Mù màu" vì… hút thuốc quá nhiều
Nghiên cứu mới của Mỹ chứng minh việc nghiện hút thuốc lá có thể khiến bạn nhìn cuộc đời kém tươi, theo nghĩa đen.
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Rutgers (Mỹ) phát hiện ra rằng thuốc lá có thể gây những tác hại thị lực khó ngờ: giảm khả năng nhận biết và phân biệt màu sắc, độ tương phản, bóng… của các sự vật và hình ảnh nhìn thấy.
Hút thuốc lá có thể dẫn đến tình trạng mù màu - ảnh minh họa từ Internet
Cụ thể, nhiều người nghiện thuốc lá gặp rắc rối khi phân biệt màu đỏ, vàng và xanh lục do mắc phải hiện tượng "thiếu thị lực màu đỏ - xanh lục". Một số khác lại khó khăn với các màu xanh dương, xanh lục và vàng do "thiếu thị lực màu xanh – vàng". Nhiều sự vật trở nên kém tươi trong mắt họ so với những người không hút thuốc, bởi khả năng nhận biết độ tương phản cũng bị nhiễu loạn.
Kết luận này được đưa ra sau nhiều bước nghiên cứu và một thí nghiệm chi tiết trên 134 người khỏe mạnh trong độ tuổi 25-45, trong đó có 71 người hút ít hơn 15 điếu thuốc mỗi ngày và 63 người hút hơn 20 điếu.
Tiến sĩ Steven Silverstein, Giám đốc Trường Đại học Chăm sóc sức khỏe hành vi Rutgers, đơn vị thành viên của Đại học Rutger cho biết trong khói thuốc lá có nhiều hóa chất độc hại, trong đó một số chất có liên quan đến việc giảm độ dày các lớp trong của não và tổn thương não, từ đó giảm mức độ hoạt động trong khu vực não mang chức năng xử lý tầm nhìn.
Theo tiến sĩ Silverstein, tình trạng thiếu thị lực màu hay còn gọi là mù màu thường hiếm gặp và do di truyền nhưng cũng có thể phát triển khi bệnh nhân đã lớn lên do bệnh hoặc tổn thương, xảy ra khi các tế bào cảm nhận màu trong mắt bị thiếu hoặc không còn hoạt động đúng.
Đây không phải lần đầu tiên việc hút thuốc được chứng minh là gây tổn hại thị lực. Các nghiên cứu trước đó đã chứng minh nghiện hút thuốc có thể dẫn đến thoái hóa hoàng điểm sớm, gây giảm dần thị lực theo thời gian.
Theo thống kê từ Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh quốc (NHS), mỗi năm tại nước này có 78.000 người chết vì hút thuốc. Hút thuốc lá liên quan đến nhiều bệnh như ung thư (nhất là phổi, miệng, cổ họng…), bệnh tim, các tai biến như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Tin nổi bật
- Lần đầu ghép thành công gan lợn cho người sống
27/05/2024 - 11:52:41
- Bê bối tại ngân hàng máu cuống rốn khiến người Singapore phẫn nộ
24/04/2024 - 10:58:43
- Làm gì khi vòng kinh không phóng noãn?
26/02/2024 - 10:47:55
- 5 cách giúp giảm stress
23/02/2024 - 10:42:27
- Số người hiến mô tạng ở Việt Nam thấp nhất thế giới
02/02/2024 - 15:25:27
- Nguyên nhân vô sinh hiếm muộn ở người trẻ
31/01/2024 - 11:24:55