Loại bỏ khối u trực tràng khổng lồ
Khối u trực tràng GIST kích thước lớn 5,5cm x 13,5cm trên cơ thể bệnh nhân nam, 57 tuổi, quê ở Bắc Giang đã được các bác sĩ tại khoa Phẫu thuật hậu môn trực tràng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phẫu thuật thành công.
Hình ảnh chụp cắt lớp từ khối u của bệnh nhân.
Bệnh nhân nhập viện với triệu chứng đại tiện khó, khuôn phân dẹt có nhầy máu, đau tức vùng hạ vị, người mệt mỏi gầy sút cân. Qua thăm khám và đánh giá trên phim chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ nhận thấy cách mép hậu môn 3cm có khối u GIST khổng lồ trực tràng bề mặt sần sùi, mật độ chắc, chiếm hết lòng trực tràng, không di động.
Bệnh nhân được PGS, TS Triệu Triều Dương và kíp bác sĩ khoa Phẫu thuật hậu môn trực tràng, Bệnh viện TƯQĐ 108 thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u trực tràng với kích thước 5,5cm x 13,5cm. Đánh giá trong mổ thấy, toàn bộ tiểu khung là khối u bít chặt (kiểu đúc khuôn), đè đẩy vào niệu quản hai bên và động mạch chậu.
Phẫu thuật được tiến hành hai đường đó là: đường bụng và đường hậu môn. Đối với đường bụng, các bác sĩ đã phẫu tích di động trực tràng và khối u khỏi các cơ quan lân cận. BS Dương cho biết, đây là thì khó khăn nhất trong phẫu thuật do trường mổ rất hẹp.
Với đường hậu môn, các bác sĩ đã tiến hành từ đường lược vào gian cơ thắt, phẫu tích giải phóng trực tràng ngược lên gặp đường phẫu tích ở đường bụng để di động hoàn toàn trực tràng khỏi tiểu khung.
Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và bệnh nhân cần điều trị hóa chất bổ trợ và khám định kỳ sau phẫu thuật.
Theo BS Dương, bệnh lý u mô đệm đường tiêu hóa hay còn gọi là GIST là tên viết tắt của Gastrointestinal Stromal Tumor, là một loại sarcoma. Sarcoma là ung thư của các mô liên kết và xương. Khối u GIST có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của ống tiêu hóa và phân bố ở dạ dày là 60-70%; ở tá tràng- ruột non là 20-30%, đại trực tràng 5% và thực quản và phần khác là dưới 5%.
Triệu chứng bệnh sẽ phụ thuộc vào kích thước khối u cũng như vị trí mà khối u phát triển. Một số triệu chứng phổ biến thường gặp bao gồm: có máu trong phân, đau hoặc khó chịu ở bụng, buồn nôn và nôn, có thể tự sờ thấy u, khó nuốt, người mệt mỏi suy nhược... Do vậy, người dân cần khám sức khỏe định kỳ và đặc biệt là được nội soi đường tiêu hóa để kiểm tra.
Thiên Lam
Tin nổi bật
- Hội chứng ruột kích thích là bệnh khó chữa nhưng có thể kiểm soát
14/06/2024 - 10:06:25
- Người đau dạ dày có nên uống nước chanh không?
11/06/2024 - 15:20:28
- Thường xuyên ợ nóng là biểu hiệu của bệnh gì?
22/01/2024 - 11:05:39
- Cách giảm đầy hơi, chướng bụng
05/07/2023 - 16:13:34
- 6 thói quen tốt buổi sáng giúp cải thiện đường ruột
01/04/2023 - 10:23:02
- Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
15/02/2023 - 10:35:50