Dự án 'dây rút ngược' kéo bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam điều trị
Một tỷ phú người Đài Loan lâm bệnh nặng trong chuyến thăm Việt Nam, được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, phẫu thuật cứu sống.
Xuất viện về quê, bệnh nhân giàu có này đã ủng hộ 100.000 USD cho Bệnh viện Việt Đức, với mục đích đào tạo bác sĩ ở bệnh viện Đài Loan trong lĩnh vực ghép tạng.
Câu chuyện về bệnh nhân tỷ phú Đài Loan được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ trong một hội nghị đầu năm 2019 bàn về thu hút người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh.
Năm 2018, Bộ Y tế ghi nhận hơn 300.000 người nước ngoài đã khám chữa bệnh tại Việt Nam, tăng 50% so với 5 năm trước.
Bệnh nhân nước ngoài chủ yếu là Việt kiều về nước, một số đến từ Lào và Campuchia, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Những dịch vụ y tế được số đông chọn là nha khoa, can thiệp tim mạch, phẫu thuật thẩm mỹ, điều trị vô sinh hiếm muộn và hỗ trợ sinh sản, một số bệnh ngoại khoa...
Theo Bộ trưởng, nhiều kiều bào, người nước ngoài về Việt Nam ăn Tết. Do đó nhu cầu dịch vụ can thiệp thẩm mỹ, nha khoa là rất lớn, đặc biệt tại TP HCM.
"Nhiều người cho biết lựa chọn Việt Nam để khám chữa bệnh vì chất lượng tốt, giá lại rẻ so với ở nước ngoài", Bộ trưởng Y tế chia sẻ.
Bộ Y tế đang xúc tiến dự án "dây rút ngược" nhằm hút Việt kiều, người nước ngoài về nước chữa bệnh. Đề án này cũng kéo người Việt Nam có nhu cầu khám chữa bệnh ở nước ngoài ở lại điều trị trong nước.
Theo Bộ trưởng Tiến, để làm được điều đó, cần nâng cấp chất lượng một cách đồng bộ từ tuyến xã, huyện, tỉnh, trung ương, để kéo những bệnh nhân ở tuyến trung ương có thể về tuyến tỉnh, bệnh nhân tuyến tỉnh về tuyến huyện thay vì phải đổ dồn lên tuyến trên hoặc phải ra nước ngoài trị bệnh.
"Bệnh viện tuyến trung ương không được vơ bát bỏ mâm. Tại sao tuyến trung ương lại chữa viêm ruột thừa, bó bột, đau bụng, nhức đầu... dẫn đến quá tải, làm mất hết hình ảnh bệnh viện", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh, các bệnh viện tuyến cuối vẫn cứ loay hoay vì quá tải, tập trung khám bệnh thông thường mỗi ngày 6.000-7.000 bệnh nhân. Cần phải lọc bệnh nhân về tuyến xã, huyện, tỉnh để tuyến trung ương tập trung tăng cường kỹ thuật cao, tăng cường dịch vụ theo yêu cầu để thu hút những người có điều kiện về Việt Nam khám chữa bệnh...
Lê Nga
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03