Cứu người giận vợ, dùng dao đâm xuyên thấu tim mình
Tối mùng 2 Tết Kỷ Hợi (6-2), êkíp cấp cứu tim mạch Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ đã được huy động khẩn cấp cứu nạn nhân bị vết thương xuyên thấu tim, thủng từ trước ra sau.
Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sáng mùng 3 Tết - Ảnh: T. LŨY
Bệnh nhân là T.P.C (27 tuổi, ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ), theo lời kể của gia đình do cãi nhau với vợ, C. đã lấy dao bấm tự đâm vào ngực. Ngay sau đó C. bị ngất và được đưa đến cấp cứu.
Bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Văn Phương - Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ cho biết, lúc nhập viện tình trạng bệnh nhân nguy kịch, lơ mơ, mạch và huyết áp không đo được.
Sau khi thăm khám, bác sĩ thấy vết thương trước ngực trái 3cm (khoảng liên sườn 3). Kết quả siêu âm tim khẩn thấy có dịch màng tim, dịch màng phổi trái nhiều… Êkíp được huy động khẩn cấp vừa gây mê vừa hồi sức và bơm máu trong quá trình phẫu thuật.
Bác sĩ tiến hành mở ngực trước bên trái, vào khoang màng phổi thấy khoảng 2,5 lít máu loãng và cục, màng tim hơi căng nhẹ có vết rách 2cm, cắt mở rộng màng tim bên trong có khoảng 0,5 lít máu loãng và cục.
Tình trạng vết thương thủng tâm thất trái 2cm đang phụt máu khi mở rộng màng tim, các bác sĩ phải dùng ngón tay vừa bịt vừa khâu vết thương cầm máu. Tuy nhiên máu vẫn tiếp tục dâng lên khoang màng tim.
Thám sát mặt sau tim, các bác sĩ thấy có lỗ thủng khoảng 1cm đang phụt máu (do vết thương xuyên thấu). Bác sĩ đã tiến hành khâu cầm máu, khâu tăng cường và đắp miếng đệm bằng màng tim, kiểm tra và đặt dẫn lưu cho bệnh nhân. Trong quá trình vừa hồi sức phẫu thuật, bệnh nhân được truyền đến 10 đơn vị máu.
Bác sĩ Phạm Văn Phương cho hay, trường hợp này bệnh nhân có thể tử vong bất kỳ lúc nào do sốc mất máu nặng; đồng thời quá trình phẫu thuật cực kỳ phức tạp do vết dao xuyên thấu thủng từ mặt trước ra sau của quả tim ở vị trí rất khó khâu trong khi tim đang đập, rất dễ ngưng tim khi đang phẫu thuật.
Đến sáng nay, mùng 3 Tết, tình trạng bệnh nhân đã ổn định mạch huyết áp bình thường, tiếp xúc được.
T.Lũy
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- 7 bước theo dõi và kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà
24/01/2024 - 15:20:40
- 6 dấu hiệu cảnh báo bệnh tim trên da
20/06/2023 - 14:06:54
- Mổ tim cho người bệnh không nói, không thở được bằng miệng
14/06/2023 - 15:50:38
- Người bệnh huyết áp thấp nên lưu ý gì trong ngày hè
29/05/2023 - 10:15:51