Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Trẻ chưa tiêm chủng dễ mắc sởi lúc này
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế nhấn mạnh, thời điểm này, dịch sởi đang gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và nguy cơ bùng phát là rất lớn. Bất kỳ ai chưa mắc sởi, chưa tiêm chủng đều có thể mắc bệnh.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh sởi hữu hiệu nhất trong bối cảnh dịch sởi đang lây lan nhanh
Cung cấp thông tin đến báo chí, Cục trưởng cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nêu rõ, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng thời điểm này số bệnh nhân mắc sởi đang gia tăng mạnh so với đầu năm 2018. Không chỉ trẻ em mắc sởi mà cả người lớn mắc bệnh. Đáng chú ý, có cả những trường hợp cả 2 mẹ con cùng mắc sởi phải nhập viện điều trị.
Hơn nữa, chu kỳ diễn biến của dịch sởi những năm gần đây cho thấy, thường sau 4-5 năm dịch sởi sẽ tái diễn trên quy mô lớn (bùng phát 1 lần). Năm 2015 dịch sởi bùng phát mạnh, và dự kiến từ cuối năm 2018 đến 2019 dịch sởi có thể sẽ bùng phát trở lại.
Đấy là chưa kể bình quân mỗi năm vẫn có 5-10% trẻ em chưa được tiêm chủng vaccine phòng sởi đầy đủ, số này chính là nguồn có thể mang mầm bệnh, lây truyền và làm bùng phát dịch bệnh. “Tất cả trẻ nhỏ và người lớn nếu chưa mắc sởi lần nào, nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi sẽ đều có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào” – PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Mặt khác, hiện đang là thời điểm đông xuân, diễn biến thời tiết cũng như các yếu tố khác có nhiều thuận lợi để bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển. Cụ thể như nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, sự chênh lệch giữa ngày và đêm lớn làm cho sức đề kháng của con người giảm; thời tiết này cũng khiến các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển và lây lan càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người...
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cảnh báo thêm, với những người mắc bệnh mạn tính vào thời điểm này, bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em. Vì thế, nếu mắc phải bệnh truyền nhiễm thì nguy cơ biến chứng rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong.
Trước thực trạng đó, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân hãy chủ động phòng bệnh bằng cách: thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng, vệ sinh khử khuẩn nơi sinh hoạt và vệ sinh môi trường giảm thiểu sự hiện diện của mầm bệnh môi trường; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt, với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc xin phòng bệnh người dân cần đưa trẻ đi tiêm vaccine theo lịch.
Về phía cơ quan chức năng, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan liên quan giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng. Đồng thời mở rộng giám sát trọng điểm; triển khai các hoạt động phòng chống dịch chủ động tại những nơi có nguy cơ cao.
Ngoài ra, Cục Y tế Dự phòng cũng đã đề nghị tăng cường sự phối hợp liên ngành, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người…
Duy Tiến
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03