Chung tay đẩy lùi tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh
Dù đã có nhiều cảnh báo từ cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học, song tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ở nước ta vẫn đang có nhiều diễn biến khá phức tạp, kéo theo đó là những hệ lụy đối với mỗi người bệnh và cả xã hội.
Kháng sinh là các loại thuốc được con người phát minh để chống lại khả năng phát triển, sinh sôi của vi khuẩn gây bệnh và tiêu diệt chúng. Mỗi loại kháng sinh có một phạm vi tác động khác nhau và thường hiệu quả trên một số chủng vi khuẩn nhất định. Tuy nhiên, do nhận thức và thói quen sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện của nhiều người bệnh nên trong khoảng gần chục năm trở lại đây, nhiều loại vi khuẩn đã phát triển chống lại tác dụng của một số kháng sinh, dẫn tới tình trạng kháng sinh trước đây sử dụng có hiệu quả nhưng hiện nay không còn hiệu quả trên các loại vi khuẩn gây bệnh. Nguyên nhân chính của tình trạng này chính là do việc người bệnh lạm dụng các loại thuốc kháng sinh.
Theo các chuyên gia, phần nhiều người dân dù ở nông thôn hay thành thị hiện nay đang giữ thói quen tự mua thuốc không cần đến đơn thuốc do bác sĩ chỉ định. Chính điều này đã dẫn đến sự gia tăng tình trạng kháng kháng sinh ở khá nhiều loại vi khuẩn gây bệnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, kháng kháng sinh đã là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe con người hiện nay. Đặc biệt, Việt Nam hiện đang nằm trong khu vực có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng nhất là tình trạng lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi… Nhiều người có suy nghĩ sai lầm khi cho rằng kháng sinh là một loại “thần dược” có khả năng điều trị các loại bệnh. Vì vậy, khi bản thân và người thân mắc các bệnh lý thông thường như viêm họng, hắt hơi, sổ mũi… là họ sẵn sàng tự mua, tự điều trị bằng thuốc kháng sinh một cách tùy tiện. Việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể do thói quen hoặc do “nghe người khác bảo” và thiếu sự tư vấn, hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa.
Mỗi người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh khi có tư vấn,
chỉ định của bác sỹ chuyên khoa. (Ảnh: QĐ)
Vừa ra viện sau gần 3 tháng phải nằm điều trị với những vết xây xước nhẹ do va chạm giao thông, chị Đỗ Thị Thu Hường ở phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Tôi không nghĩ vết thương đơn giản như vậy mà phải điều trị đến gần 3 tháng. Bác sỹ xác định tôi có vi trùng kháng hầu hết các loại kháng sinh nên phải nằm điều trị dài ngày. Đúng là trước đây tôi cũng thường xuyên sử dụng thuốc kháng sinh mà không có chỉ định của bác sỹ”.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, ở nước ta đã xuất hiện các loại vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng, nhất là ở nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng với các dòng kháng sinh thế hệ mới. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì người bệnh có thể dễ dàng tử vong dù chỉ mắc những bệnh đơn giản, nhiễm trùng do các loại thuốc kháng sinh không còn tác dụng. Và khi đó, ngay cả các bệnh tưởng chừng như rất bình thường, đơn giản nhưng vẫn có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh do không có thuốc đặc trị.
Thực tế hiện nay cho thấy, có khá nhiều lý do dẫn đến kháng kháng sinh nhưng nguyên nhân hàng đầu là việc lạm dụng, sử dụng kháng sinh quá nhiều và không đúng cách. Không ít bác sỹ tùy tiện kê kháng sinh; người bệnh thì mua kháng sinh không cần kê đơn, sử dụng tùy tiện dẫn đến hệ lụy những loại thuốc kháng sinh đang dùng để điều trị các bệnh cơ bản không còn hiệu lực. Bên cạnh đó là tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện trong chăn nuôi như một chất kích thích tăng trưởng cũng là một nguyên nhân gây kháng thuốc.
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Tình trạng kháng kháng sinh do lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức đã không chỉ trì hoãn việc điều trị cho bệnh nhân bằng kháng sinh phù hợp mà còn gây mất hiệu quả trong chống nhiễm trùng, mất hiệu quả của kháng sinh dự phòng trong các thủ thuật y khoa và phẫu thuật. Hậu quả là tăng tỷ lệ bệnh nhân tử vong, tăng thời gian điều trị nội trú và chi phí điều trị, tiêu tốn tài chính của xã hội.
Như vậy, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh hiện nay đã trở nên nguy hiểm, đòi hỏi phải sớm được ngăn chặn, đẩy lùi. Theo đó, thiết nghĩ, trước hết cần có sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành để đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân, cộng đồng ý thức được việc sử dụng kháng sinh hiệu quả. Bên cạnh đó cần xây dựng một số trung tâm kiểm nghiệm, xét nghiệm labo đánh giá được các loại vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh để tư vấn cho các nhà lâm sàng sử dụng thuốc hợp lý nhất. Tại các bệnh viện phải triển khai các hoạt động tăng cường quản lý và sử dụng kháng sinh tại bệnh viện. Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, xây dựng hướng dẫn kiểm soát lây nhiễm của vi khuẩn đa kháng. Nâng cao năng lực xét nghiệm vi sinh trong bệnh viện nhằm theo dõi, cung cấp bằng chứng cho việc chỉ định, sử dụng kháng sinh hợp lý tại bệnh viện…
Tiếp cận từ góc độ quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng, trực tiếp là ngành y tế, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các bệnh viện, nhà thuốc; tăng cường kiểm soát, quản lý sử dụng kháng sinh. Đồng thời, có chế tài xử lý thích đáng đối với các hành vi vi phạm.
Theo Thạc sỹ, Bác sỹ Hoàng Quang Tú - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Xuyên (Hà Nội), quy định hiện nay, hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc chỉ bị xử phạt 200 - 500 nghìn đồng. Mức phạt như vậy là quá thấp, chưa đủ sức răn đe nên việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc còn nhiều hạn chế. Do đó, cần nghiên cứu nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm để tăng tính răn đe.
Lạm dụng thuốc kháng sinh dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh đang là thực tế đáng báo động hiện nay. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là bản thân mỗi người bệnh cần nâng cao nhận thức, không lạm dụng thuốc kháng sinh như một loại thuốc thông thường. Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng và phải có chỉ định, cũng như đơn thuốc của bác sĩ./.
Tạ Quang Đạo
Tin nổi bật
- Dùng thuốc tránh thai dạng viên gây tăng cân, cách nào khắc phục?
13/10/2022 - 09:30:31
- Cảm lạnh thông thường và bệnh cúm, phân biệt thế nào để dùng thuốc hiệu quả?
04/10/2022 - 09:35:50
- Cảnh giác nguy cơ tự tử khi dùng thuốc trị tăng động giảm chú ý
04/10/2022 - 09:29:49
- 12 tác dụng phụ do hóa chất điều trị ung thư và cách xử trí
03/10/2022 - 09:26:49
- Bỏ ngay 10 thói quen xấu này vì nó gây hại cho bạn
29/01/2021 - 15:36:43
- Lưu ý dùng thuốc khi cảm lạnh
28/01/2021 - 14:48:48