Nữ ca sĩ nhập viện vì lạm dụng thuốc đau đầu, bác sĩ nói gì?
Mới đây, thông tin một nữ ca sĩ phải nhập viện vì lạm dụng thuốc đau đầu khiến nhiều người không khỏi hốt hoảng. Paracetamol là một loại thuốc phổ biến, được bán mà không cần kê đơn, tuy nhiên theo các bác sĩ, việc dùng bừa bãi loại thuốc này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ngộ độc.
Theo thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, vào ngày 10/3, nữ ca sĩ M. phải nhập viện cấp cứu sau khi uống liên tục 5 viên thuốc giảm đau. “Bình thường tôi hay bị nhức đầu nên mua Panadol về để sẵn. Có khi uống mỗi ngày vì thường xuyên bị nhức đầu. Uống thấy hiệu quả ngay nên cứ đau đầu là uống. Hôm qua nhức đầu quá nên uống liền 2 viên . Mãi sau vẫn thấy nhức uống thêm 3 viên nữa.”, nữ ca sĩ này cho biết.
Kết quả xét nghiệm cho thấy cô ca sĩ bị bị suy gan do lạm dụng quá nhiều thuốc panadol (có thành phần chính là paracetamol ). Đây cũng là thực trạng thường thấy ở nhiều người. Vì thuốc dễ mua, giá rẻ nên nhiều gia đình hay “trữ sẵn” nhiều thuốc trong nhà, người bệnh thì hay có tâm lí sử dụng ngay paracetamol khi có triệu chứng sốt và đau đầu. Do đó dẫn đến nguy cơ ngộ độc nếu lạm dụng hoặc trẻ nhỏ uống nhầm.
Trao đổi về vấn đề này, BS Hồ Sĩ Dũng, giảng viên ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường và phổ biến nhất hiện nay, được bán mà không cần kê đơn của bác sĩ. Người bệnh thường có tâm lý sử dụng ngay paracetamol khi có triệu chứng sốt và đau đầu. “Paracetamol là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt tạm thời, chỉ chữa được triệu chứng, không phải thuốc chữa bệnh. Vì vậy người dân không nên lạm dụng. Tuyệt đối không nên uống rượu khi dùng thuốc và uống nhiều loại thuốc cảm cúm cùng một lúc. Khi dùng với liều cao hơn kéo dài có thể gây ngộ độc. Những người bị sốt do virus, sốt do nhiễm trùng, có men gan tăng... khi sử dụng thuốc quá liều càng dễ nhiễm độc gan. Khi bị ngộ độc, người dùng thuốc sau vài giờ có cảm giác buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi.”, BS Dũng cho biết.
Lạm dụng thuốc chữa đau đầu có thể dẫn đến suy gan, suy thận.
Bên cạnh đó, theo BS Dũng, khi bị cảm cúm, đặc biệt là trẻ em không nên dùng paracetamol để tự điều trị quá 5 ngày, đối với người lớn không quá 10 ngày. Những người bị bệnh gan, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, những người đang bị mất nước, người đang dùng các thuốc chống co giật phải thận trọng và chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
BS CK II Tạ Phương Dung, trưởng Khoa Nội thận- Miễn dịch ghép BV Nhân dân 115 khuyến cáo ngay khi biết uống quá liều paracetamol cần tìm cách xử lý, có thể là gây nôn, sau đó nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế để được điều trị kip thời.
BS CK II Tạ Phương Dung tư vấn về cách dùng thuốc cho bệnh nhân
“Để tránh ngộ độc thuốc, tốt nhất bệnh nhân nên dùng thuốc theo chỉ dẫn của BS, BS là người biết chính xác người đó có bệnh gì để cho thuốc cho đúng, người bệnh không nên tự ý mua thuốc để uống. Những bệnh nhân bị suy gan suy thận hoặc cơ địa dễ dẫn đến tình trạng suy gan suy thận thì không nên sử dụng hoặc sử dụng cần giảm liều paracetamol. Bên cạnh đó, bệnh nhân khi khám bệnh nên kể tất cả mọi vấn đề có thể mắc phải như dễ dị ứng, những trường hợp đã dùng thuốc một lần nhưng thấy có phản ứng thì cũng nên báo lại với bác sĩ để BS kê thuốc phù hợp”, BS Dung khuyến cáo.
Yến Nhi
Tin nổi bật
- Dùng thuốc tránh thai dạng viên gây tăng cân, cách nào khắc phục?
13/10/2022 - 09:30:31
- Cảm lạnh thông thường và bệnh cúm, phân biệt thế nào để dùng thuốc hiệu quả?
04/10/2022 - 09:35:50
- Cảnh giác nguy cơ tự tử khi dùng thuốc trị tăng động giảm chú ý
04/10/2022 - 09:29:49
- 12 tác dụng phụ do hóa chất điều trị ung thư và cách xử trí
03/10/2022 - 09:26:49
- Bỏ ngay 10 thói quen xấu này vì nó gây hại cho bạn
29/01/2021 - 15:36:43
- Lưu ý dùng thuốc khi cảm lạnh
28/01/2021 - 14:48:48