Ca mổ tim khó nhất trong 10 năm của bác sĩ viện Việt Đức
Đang du lịch ở Hà Nội, nam du khách 67 tuổi người Nhật Bản đột ngột mất ý thức, hôn mê ngay trên đường.
Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Pháp, chẩn đoán ban đầu nghi tai biến mạch máu não. Trên phim chụp cắt lớp vi tính sọ não và hệ mạch máu vùng nền cổ bệnh nhân có hình ảnh nghi lóc động mạch chủ.
Bệnh nhân không bắt được mạch, chân phải và tay bị thiếu máu. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp hội chẩn trực tuyến gấp với Phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức. Bệnh nhân sau đó được chẩn đoán lóc động mạch chủ loại A thể phức tạp, suy hô hấp phải thở máy, suy tuần hoàn nặng phải dùng thuốc trợ tim liều cao. Bệnh nhân chắc chắn tử vong ngay nếu không được phẫu thuật kịp thời.
Các bác sĩ xác định phẫu thuật là phương pháp duy nhất mang lại vài phần trăm cơ may sống sót cho bệnh nhân. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật ngày 17/2.
Bệnh nhân hiện ổn định sức khỏe. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mọi công tác cấp cứu đã được chuẩn sẵn sàng. Bệnh viện đã kết nối được với vợ bệnh nhân tại Nhật Bản, công ty du lịch Việt Nam và Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật... Tất cả đều đồng ý cho bệnh nhân mổ.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Tú, thành viên chính của kíp mổ, cho biết 10 năm qua bệnh viện đã thực hiện hơn 200 ca mổ cấp cứu lóc động mạch chủ loại A, chưa có trường hợp nào diễn biến nặng và phức tạp như bệnh nhân này.
Quá trình phẫu thuật hết sức cam go, căng thẳng, kéo dài hơn 10 giờ, các bác sĩ thực hiện hầu hết kỹ thuật khó và phức tạp nhất của phẫu thuật tim hở. Bệnh nhân được hạ thân nhiệt sâu (xuống 24 độ C), ngừng tuần hoàn tạm thời nửa người dưới, cấp máu não chọn lọc cả hai bên, sửa van động mạch chủ, thay đoạn động mạch chủ lên bằng mạch nhân tạo, tưới máu chi chọn lọc rồi lấy huyết khối động mạch và mở cân cho chân phải để cố bảo tồn chi.
Phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước, trưởng kíp mổ cho biết, ca phẫu thuật rất phức tạp và hồi sức sau mổ cũng rất nặng nề với nhiều phương tiện hồi sức hiện đại, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện dần qua từng ngày. Tới nay, bệnh nhân tri giác đã cải thiện - có thể nhận biết người thân, chức năng thận đã phục hồi, chân phải được bảo tồn với chức năng cải thiện tốt.
Bệnh nhân đã được ngừng thở máy hỗ trợ, rút ống nội khí quản. Gia đình bệnh nhân từ Nhật sang thăm và bà tỏ sự biết ơn với các thầy thuốc Việt Nam. Nếu không có các biến chứng nhiễm trùng hoặc suy tạng khác, bệnh nhân có thể được ra viện trong 2 tới 3 tuần nữa.
Lê Nga
Tin nổi bật
- 6 dấu hiệu nguy hiểm của đột quỵ do nắng nóng
17/06/2024 - 10:12:01
- Tại sao đột quỵ lại hay xảy ra vào sáng sớm?
11/06/2024 - 14:08:03
- 7 bước theo dõi và kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà
24/01/2024 - 15:20:40
- 6 dấu hiệu cảnh báo bệnh tim trên da
20/06/2023 - 14:06:54
- Mổ tim cho người bệnh không nói, không thở được bằng miệng
14/06/2023 - 15:50:38
- Người bệnh huyết áp thấp nên lưu ý gì trong ngày hè
29/05/2023 - 10:15:51