BS Khanh: Không nên quá lo khi con dương tính với sán lợn
Cho đến sáng 18-3, hàng trăm phụ huynh vẫn đang tiếp tục hoang mang, hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm sán lợn của con. Thực ra, việc xét nghiệm này có cần thiết?
Những ngày qua, thông tin bữa ăn trong trường học ở Bắc Ninh cung cấp thịt lợn gạo truyền nhiễm sán cho người khiến phụ huynh hoang mang, ồ ạt đưa trẻ đi xét nghiệm.
Đây được xem là cuộc xét nghiệm tìm sán lợn lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Được biết, các phụ huynh đã chi con số tiền tỉ để xét nghiệm. Cho đến sáng 18-3, có hơn 200 trẻ có xét nghiệm dương tính và con số này dự báo sẽ còn tăng nữa. Nhiều phụ huynh đã bật khóc khi cầm kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn của con trên tay.
Tuy nhiên, theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), phụ huynh không nên lo lắng thái quá khi con em có kết quả xét nghiệm dương tính. Theo BS Khanh, xét nghiệm này là không cần thiết vì không thể xác định chính xác trẻ đang nhiễm loại sán nào. Nếu trẻ đã từng nhiễm loại sán này, nay đã hết hoặc đang nhiễm cũng đều cho kết quả dương tính. Hầu hết các loại sán đều có thể được điều trị bằng cách đơn giản là uống thuốc xổ giun.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng phụ huynh không nên lo lắng thái quá khi con em có kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn. Ảnh: HL
Phóng viên: Sán lợn nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ?
+ BS Trương Hữu Khanh: Không chỉ sán lợn mới gây nguy hiểm mà các loại sán khác như sán chó, sán mèo, các loại giun nằm trong ốc sên cũng có thể đi lạc vào cơ quan khác như da, mắt, não người gây nguy hiểm. Tại BV Nhi Đồng 1, mỗi năm Khoa Nhiễm – Thần kinh tiếp nhận khoảng 15-20 ca viêm màng não, đa số do ký sinh trùng trong ốc sên gây ra chứ chưa có ca nào sán lợn lên não.
Khi sán chui lên não, mắt thì chắc chắn trẻ sẽ có dấu hiệu lâm sàng, triệu chứng này cũng dễ nhầm với các bệnh khác nên phải làm MRI, chẩn đoán hình ảnh thì mới chắc chắn là do sán hay không.
Khi nghi ngờ trẻ nhiễm sán lợn, có cần đưa trẻ đi xét nghiệm?
+ Y văn thế giới cũng như hướng dẫn y khoa chính thống đều khuyến cáo không nên dùng xét nghiệm Elisa để chẩn đoán người đó có nhiễm sán hay không. Xét nghiệm này vẫn cho kết quả dương tính khi họ đã từng bị nhiễm sán, nay đã hết hay nhiễm con sán này lại xét nghiệm ra con sán khác hoặc chỉ nhiễm loại sán thông thường. Xét nghiệm này đòi hỏi lý luận lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm chuyên sâu khác mới có thể khẳng định chính xác. Do đó, không có triệu chứng gì thì không cần đi xét nghiệm. Thông thường, chỉ nên chỉ định xét nghiệm khi có triệu chứng lâm sàng.
Ngoài ra, tất cả sán khi xâm nhập cơ thể đòi hỏi phải có thời gian ủ bệnh, xâm nhập vào máu theo chu trình, kích thích cơ thể tạo ra kháng thể chứ không thể ăn hôm nay thì ngày mai có kháng thể liền, có loại mấy tháng sau mới có kháng thể. Do đó, xét nghiệm có âm tính cũng không thể chắc chắn trẻ chưa bị nhiễm sán.
Xin bác sĩ cho biết cách để phòng bệnh sán lợn?
+ Để phòng giun sán nói chung, không riêng gì sán lợn thì cần ăn sạch, uống sạch, ăn chín uống sôi, xổ giun định kỳ, bỏ thói quen ăn đồ tái sống, ăn rau không sạch, thực phẩm không an toàn. Con nít hay ôm chó ôm mèo, hôn hít hoặc hay bò dưới đất sẽ rất dễ nhiễm giun sán. Do đó, hiện tại, một số nhà trẻ đã cho trẻ xổ giun định kỳ mỗi năm 2 lần.
Chú ý các dấu hiệu của trẻ khi nhiễm sán lợn thường là đi ra sán có thể nhìn thấy hoặc nếu bị nhiễm sán lâu rồi, trẻ có thể bị sụt cân, suy dinh dưỡng, còn sán chui lên não có thể gây co giật, hôn mê. Nếu nghi ngờ trẻ nhiễm sán thì chỉ cần cho uống thuốc xổ giun.
Các loại thuốc xổ giun có hiệu quả không và có thể tiêu diệt được sán lợn không, thưa bác sĩ?
+ Hiện tại, có 3 loại thuốc xổ giun, chủ yếu là albendazol, mebendazol, pyrentel có loại tác dụng vào ruột, có loại ngấm vào máu. Loại ngấm vào máu và ruột uống theo lứa tuổi, còn trường hợp đặc biệt mới tính theo kg và cân nặng của người uống. Tác dụng phụ của các loại thuốc xổ giun này cũng rất ít nếu uống dưới 5 ngày đổ lại cho nên mới có chuyện phổ rộng xổ giun định kỳ. Trong đó, albendazol có khả năng tẩy tất cả loại giun nên không cần uống loại gì ghê gớm lắm.
Theo các nghiên cứu, các loại thuốc xổ giun mới hiếm có khả năng uống vào con giun không chết. Nếu trẻ cứ đi giun không hết thì có thể cho trẻ uống hai đợt, mỗi đợt cách nhau hai tuần và chú ý vệ sinh móng tay cho trẻ vì móng tay thường bám đất. Giun kim thường nhiễm qua đường này còn các loại khác đều qua đường ăn uống. Nếu xổ giun sau thời gian quá dài thì mới cần đến tư vấn bác sĩ còn trong thời gian ngắn từ 3-6 tháng mới xổ giun một lần thì không cần.
Nếu trẻ có các dấu hiệu như mắt không thấy đường, co giật, yếu chân thì dù trẻ có bị nhiễm sán hay không cũng phải đưa trẻ đi khám, bác sĩ sẽ làm chẩn đoán hình ảnh mới biết được đó là do nguyên nhân gì. Các triệu chứng này chưa chắc đã do sán gây nên mà có thể do các bệnh u não, động kinh, lao màng não...
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39