PGS. BS Wynn Huỳnh Trần giải đáp: Làm thế nào để ngăn ngừa sán lợn?
Những ngày qua, người dân rất hoang mang trước hàng loạt ca bệnh nhi dương tính với ấu trùng sán lợn. Trước rất nhiều luồng ý kiến, PGS. BS Wynn Huỳnh Trần đã có những chia sẻ giúp bạn yên tâm hơn về cách chữa và ngăn ngừa căn bệnh này.
Bệnh sán lợn có nguy hiểm không?
Bệnh ấu trùng sán lợn (bệnh lợn gạo) là tình trạng truyền nhiễm ở mô do ấu trùng sán dây Taenia solium hay Tapeworm gây ra. Vòng đời của sán dây lợn trưởng thành có thể là 30 năm trong ký chủ.
Thịt lợn nhiễm sán - Ảnh minh họa: Internet
Bệnh ấu trùng sán lợn thường bị nhiễm do cách ăn thực phẩm hoặc uống nước bị nhiễm trứng sán dây. Người mắc bệnh có thể có rất ít hoặc không có triệu chứng trong nhiều năm.
Tình trạng nhiễm sán dây ở đường ruột thường nhẹ. Nếu các nang ấu trùng nhiễm vào não, cơ hoặc các mô khác sẽ gây ra các cơn động kinh, thường khởi phát ở tuổi trưởng thành. Bệnh thường xảy ra ở hầu hết các nước có thu nhập thấp và đang phát triển.
PGS. BS Wynn Huỳnh Trần, Trung tâm Y khoa Wynn Medical Center tại Los Angeles (USA) và VietMD
PGS. BS Wynn Huỳnh Trần, Trung tâm Y khoa Wynn Medical Center tại Los Angeles (USA) và VietMD, chia sẻ: "Thông thường, người bị nhiễm sán lợn do ăn thịt lợn gạo không nấu chín (ví dụ như nem chua).
Các loại thịt lợn gạo này chứa các nang có đầu sán. Khi vào trong ruột người, một đầu chúng bám chặt vào thành ruột, liên tục lớn dài ra thành các đốt sán liên tiếp nhau. Sau đó, các đốt sán chứa đầy trứng được thải ra môi trường bằng đường phân hay đôi khi tự chui ra khỏi hậu môn.
Lợn bị nhiễm sán thường do ăn rau cải có phân người chứa trứng sán. Trứng sán lợn vào cơ thể lợn sẽ tạo các ấu trùng chui qua thành ruột để vào máu đến các cơ quan, từ từ phát triển thành các nang sán. Việc chẩn đoán lợn bị nhiễm sán nhờ tìm thấy nhiều nang sán như hình hạt gạo trong miếng thịt.
Sán lợn sống được do chu kỳ sinh học và liên tục phát triển - Ảnh: BS Hung Van
Chu trình phát triển của sán cho thấy ít khi chúng trưởng thành trong ruột lợn. Trong khi đó, sán lợn thường trưởng thành trong ruột người. Trong trường hợp chúng ta ăn rau cải có dính phân chứa trứng sán thì các trứng này sẽ tạo ra các ấu trùng chui qua ruột, vào máu rồi hình thành các nang sán lợn tại các vùng dưới da, mắt và não'.
Làm thế nào để chẩn đoán và ngăn ngừa sán lợn?
Theo PGS. BS Wynn Huỳnh Trần: 'Cách tốt nhất để chẩn đoán là tìm các đốt sán trong phân và dựa vào bệnh sử của bệnh nhân (sống trong môi trường có sán lợn, ăn uống trong môi trường không vệ sinh).
Chỉ cần bạn ăn uống sạch sẽ, luộc thịt lợn chín hoàn toàn thì sẽ ngăn ngừa được bệnh - Ảnh minh họa: Internet
Sán lợn sống được do chu kỳ sinh học và liên tục phát triển. Do đó, chỉ cần bạn ăn uống sạch sẽ, luộc thịt lợn chín hoàn toàn thì sẽ ngăn ngừa được bệnh. Với các món ăn khác, nên ăn chín uống sôi và rửa rau, củ thật sạch.
Khi bị sán lợn, việc điều trị cũng không hề khó khăn. Bạn chỉ cần đi khám bác sĩ, uống thuốc theo đơn và ăn uống sạch sẽ. Đặc biệt, bệnh thường xảy ra ở các nước đang phát triển, do đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sống tại Việt Nam cần được kiểm tra và chăm sóc kỹ lưỡng hơn".
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39