Thống kê gây sốc: Hơn 250.000 trẻ tử vong mỗi năm vì thuốc giả, thuốc kém chất lượng
Chỉ tính riêng các loại thuốc trị sốt rét, viêm phổi giả và thuốc kém chất lượng đã gây ra cái chết của khoảng 250.000 trẻ em hàng năm.
Theo tin tức trên tờ The Guardian (Anh), các nhà khoa học trong giới y học đang kêu gọi toàn cầu thực hiện nỗ lực nhằm chống lại “đại dịch thuốc kém chất lượng” gây ra cái chết của hàng ngàn người trên thế giới mỗi năm. Theo các bác sĩ, thuốc giả và kém chất lượng đang được bày bán tràn lan. Chỉ tính riêng thuốc trị sốt rét, thuốc viêm phổi giả và kém chất lượng đã gây ra cái chết của khoảng 250.000 trẻ em hàng năm. Bên cạnh đó, nhiều người tử vong vì vắc xin và kháng sinh giả, kém chất lượng để điều trị các bệnh viêm nhiễm cấp như viêm gan, sốt vàng da và viêm màng não.
Phần lớn nạn nhân thuộc những nước có nhu cầu cao về dược phẩm này nhưng lại kiểm soát chất lượng lỏng lẻo khiến các tập đoàn tội phạm thâm nhập vào thị trường. Tuy nhiên, điều đáng nói, khi bị phát hiện có hành vi buôn bán phân phối thuốc giả hay kém chất lượng, các doanh nghiệp, tập đoàn phạm tội bị phạt hoặc tuyên án rất nhẹ.
Một số loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng là nguyên nhân khiến hơn 250.000 trẻ em tử vong mỗi năm. Ảnh: The Guardian
Cũng theo tờ Guardian, nhiều thử nghiệm đã phát hiện thuốc giả trong các lĩnh vực, từ trị sốt rét, kháng sinh đến trị bệnh tim mạch và ung thư. Nhiều thuốc giả từ Trung Quốc và Ấn Độ thậm chí bị phát hiện chứa asen, sơn và cả mực in. Thuốc Viagra cũng nằm trong các dược phẩm bị làm giả nhiều nhất.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san American Journal of Tropical Medicine and Hygiene, có đến 10% thuốc tại các nước có thu nhập trung bình và thấp là sản phẩm kém chất lượng hoặc bị làm giả. Năm ngoái, hãng Pfizer phát hiện 95 sản phẩm giả tại 113 nước.
Trước vấn nạn thuốc giả, kém chất lượng, các bác sĩ kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm tăng cường các chương trình giám sát dược phẩm và đưa ra mục tiêu đảm bảo 90% dược phẩm có chất lượng cao. Thêm vào đó, có thể xây dựng một hiệp ước toàn cầu về chất lượng thuốc.
Chuyên gia Breman nói thêm, cộng đồng quốc tế và các công ty dược phẩm phải cải thiện tính khép kín của chuỗi cung ứng thuốc ở tất cả các quốc gia từ điểm sản xuất đến bệnh nhân. Trước đó, hồi tháng 2/2019, WHO đã đưa ra một cảnh báo toàn cầu về một loại thuốc ung thư giả ở châu Âu và châu Mỹ. Thuốc giả được đóng gói trông giống như Iclusig - một loại thuốc chống ung thư được sử dụng để điều trị cho người lớn mắc bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính và bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính. WHO cho biết thuốc không chứa gì ngoài paracetamol.
Bảo Lâm (Theo Guardian)
Tin nổi bật
- Dùng thuốc tránh thai dạng viên gây tăng cân, cách nào khắc phục?
13/10/2022 - 09:30:31
- Cảm lạnh thông thường và bệnh cúm, phân biệt thế nào để dùng thuốc hiệu quả?
04/10/2022 - 09:35:50
- Cảnh giác nguy cơ tự tử khi dùng thuốc trị tăng động giảm chú ý
04/10/2022 - 09:29:49
- 12 tác dụng phụ do hóa chất điều trị ung thư và cách xử trí
03/10/2022 - 09:26:49
- Bỏ ngay 10 thói quen xấu này vì nó gây hại cho bạn
29/01/2021 - 15:36:43
- Lưu ý dùng thuốc khi cảm lạnh
28/01/2021 - 14:48:48