Nỗ lực ngăn chặn bệnh sởi lây lan ra diện rộng
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, đến nay, đã có 16 ca sốt phát ban nghi sởi phải nhập viện tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, trong đó, năm ca dương tính với bệnh sởi.
Ngành y tế Quảng Nam tập trung tiêm phòng bệnh sởi cho trẻ em.
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) Quảng Nam, đến thời điểm này, cả tỉnh phát hiện năm ca dương tính với bệnh sởi. Số bệnh nhân mắc sởi này sinh sống tại các xã: Tam An, Tam Đàn (huyện Phú Ninh), An Phú, Tam Ngọc (TP Tam Kỳ) và Tiên Lộc (Tiên Phước). Qua thông tin ban đầu, các bệnh nhân này có độ tuổi từ 20-32 và tất cả đều không được tiêm ngừa vắc-xin sởi.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Viết Nhiệm, Phó Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, Khoa Y học Nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam) đã tiếp nhận bốn ca bệnh sốt phát ban nghi sởi với các triệu chứng: sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Đặc biệt, qua xét nghiệm đã có hai ca dương tính với bệnh sởi, hai ca còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm. Hiện bệnh sởi vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, nên bệnh viện chỉ điều trị theo phương pháp hỗ trợ bệnh như: cách ly bệnh, hạ sốt, vệ sinh mắt miệng, dùng vitamin A liều lượng cao và theo dõi biến chứng.
Giám đốc Trung tâm KSBT Quảng Nam Trần Văn Kiệm cho biết, đơn vị đã tham mưu lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế ở huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai tiêm đủ mũi vắc-xin phòng sởi cho trẻ em đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo đúng quy định; chỉ đạo toàn ngành giám soát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; qua đó, tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lan ra diện rộng. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để cho mọi người biết, chủ động phòng ngừa và phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục và đào tạo vận động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hai cho biết, để khống chế, ngăn ngừa bệnh sởi lây lan ra diện rộng, ngành y tế tỉnh đã chỉ đạo các trung tâm y tế ở các địa phương và các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác khám, phân loại nhằm chủ động ngăn chặn, không để bệnh sởi xâm nhập, bùng phát mạnh. Ngoài việc bảo đảm đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc phục vụ công tác điều trị, các cơ sở y tế sẽ phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp nặng, giảm tối đa trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Đồng thời, rà soát, triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt tại 11 địa phương có nguy cơ cao, với tổng số liều vắc-xin sởi – rubella dự kiến lên đến hơn 122 nghìn liều.
Quốc Việt
Tin nổi bật
- Luật Thủ đô (sửa đổi): Đảm bảo kết nối, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và địa phương
01/07/2024 - 10:15:06
- 15 năm thực hiện Luật BHYT: Số người tham gia tăng, quyền lợi mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao
01/07/2024 - 09:54:28
- Sở Y tế TPHCM gặp khó khăn khi xử lý hành vi bán thuốc qua mạng
28/06/2024 - 10:01:12
- Chi tiết 5 chính sách lớn để phát triển công nghiệp dược, tăng tiếp cận thuốc mới của người dân
26/06/2024 - 14:39:35
- Thời gian cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc mới sẽ giảm từ 12 tháng xuống 9 tháng
24/06/2024 - 09:49:17
- Sửa đổi Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá hợp lý
18/06/2024 - 16:02:13