Người phụ nữ 20 năm chịu cảnh đau nhức, chuột rút sau khi sinh con
Có biểu hiện đau nhức chân, chuột rút về đêm cách đây gần 20 năm nhưng người bệnh không điều trị triệt để, đến khi chân nổi gân xanh ngoằn ngoèo ghê rợn, chân đau tức khó đi lại mới tìm đến bệnh viện chữa
Các bác sĩ của Trung tâm ứng dụng công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp vừa tiến hành can thiệp điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới cho bệnh nhân N.T.H. (42 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) có biểu hiện đau tức chân gần 20 năm.
Theo chia sẻ của người bệnh, cách đây khoảng 18 năm, lúc sinh cậu con trai đầu lòng, chị H. đã xuất hiện cảm giác đau tức ở cẳng chân. Tình trạng đau nhức thoáng qua làm chị H. không quan tâm nhiều vì nghĩ rằng đó là biểu hiện cơ thể mệt mỏi khi thai nghén, sinh đẻ.
Cứ nghĩ sau sinh vài tháng các biểu hiện đau tức chân, chuột rút sẽ hết nhưng con càng lớn bệnh của mẹ lại càng nặng. Hơn nữa, đặc thù nghề nghiệp giáo viên của chị H. là phải đứng nhiều làm cho bệnh tình ngày càng gia tăng.
Chân bệnh nhân H. nổi đầy gân xanh ngoằn ngoèo nhìn ghê rơn
Chị H. cho biết: “Có những buổi phải đứng giảng bài 5 tiết làm chân tôi nhức nhối, khó chịu. Đêm ngủ chân đau nhức làm giấc ngủ không sâu, có những hôm đang ngủ bị chuột rút làm tôi hét toáng vì đau đớn và cũng gây mất ngủ cho cả nhà.
Sau đó tôi đi bệnh viện thăm khám thì được bác sĩ cho biết tôi bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới độ 1 ở chân phải.
Bệnh mới ở mức độ nhẹ nên tôi chỉ dùng thuốc để điều trị và đi tất áp lực để cải thiện tình trạng bệnh. Nhưng quá trình điều trị bằng thuốc và tất áp lực chỉ làm bệnh thuyên giảm đôi chút.
Đến khi mang thai con thứ hai, tình trạng bệnh của tôi nặng lên trông thấy, chân tôi đau nhức nhiều, sưng to và nặng như chân voi. Cố chịu mãi đến thời gian gần đây luôn gặp tình trạng đau nhức, tê ở bàn chân, đêm không ngủ được, đau buốt, chuột rút suốt, kiến bò cẳng chân gây khó chịu.
Đặc biệt, chân nổi gân ngoằn ngoèo, tím tái làm tôi sợ bị hoại tử chân nên tìm đến bệnh viện thăm khám lại. Sau khi thăm khám bác sĩ kết luận tôi bị suy giãn tĩnh mạch ở mức độ 3 và khuyên nên tiến hành can thiệp để điều trị bệnh”.
ThS.BS Tạ Xuân Trường, Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp cho biết, bệnh nhân kể trên chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân tìm đến bác sĩ để điều trị suy giãn tĩnh mạch khi đã ở mức độ nặng, chân đau nhức khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Suy giãn tĩnh mạch không chỉ là vấn đề về thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, nhiều bệnh nhân phải chịu đựng đau nhức chân, tề bì chân hay các cơn chuột rút bắp chân.
Nghiêm trọng trọng hơn, có những bệnh nhân có biến chứng loét da cẳng chân dẫn đến việc điều trị vô cùng khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian. Thậm chí, có thể hình thành những cục máu đông lớn trôi theo dòng máu gây tắc động mạch phổi, tử vong.
ThS.BS Tạ Xuân Trường, Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp đang tiến hành can thiệp điều trị cho bệnh nhân
Nguyên nhân gây nên suy giãn tĩnh mạch là do suy yếu của các van nằm trong lòng tĩnh mạch, không duy trì được dòng máu từ chân về tim như bình thường mà hình thành dòng máu trào ngược lại, gây ứ trệ máu ở tim.
Tình trạng này không lây nhiễm nhưng có mang tính chất gia đình, thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ, người thừa cân béo phì, những người thường phải làm công việc đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài.
Người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới lúc đầu thường không có biểu hiện gì đặc biệt, có thể chỉ nổi những mạch máu màu xanh dưới da. Nhưng sau một thời gian bệnh tiến triển nặng hơn người bệnh sẽ thấy đau hoặc nặng bắp chân, bị sưng, mỏi chân, cảm giác kiến bò dọc cẳng chân, nhất là sau khi đứng hoặc ngồi lâu.
Ngoài ra, người bệnh còn gặp phải một số triệu chứng khác như phồng và xanh các tĩnh mạch dọc theo đùi, hoặc đầu gối và cổ chân, phù chân, khô và ngứa da, thay đổi màu sắc da, da mỏng, loét và nhiễm trùng mô mềm (viêm mô tế bào) có thể xảy ra gần cổ chân.
Tùy vào mức độ bệnh của từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. Với trường hợp của bệnh nhân H. nêu trên, do bệnh đã tiến triển mức độ nặng nên cần tiến hành can thiệp để điều trị bệnh.
Các bác sĩ Trung tâm ứng dụng công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp đã tiến hành can thiệp suy tĩnh mạch chi dưới cho bệnh nhân bằng sóng cao tần.
Với kỹ thuật này bệnh nhân sẽ được sử dụng sóng cao tần nhằm loại bỏ dòng máu trào ngược trong điều trị suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới.
Phương pháp điều trị suy tĩnh mạch bằng sóng cao tần giúp nâng cao tỉ lệ thành công trong việc loại bỏ dòng trào ngược (bản chất của gây bệnh). Hơn nữa, phương pháp này ít đau, ít bầm máu, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày với một vết mổ nhỏ 0,3cm và đặc biệt rất ít xảy ra tai biến.
Các chuyên gia y tế đưa ra những lời khuyên cho người bệnh, nhất là giáo viên nữ cần phải chọn giày dép phẳng, không nên đi loại cao gót. Đôi giày hay dép thoải mái, sẽ giúp cho đôi chân của giáo viên khỏe lên rất nhiều.
Cũng không nên mặc quần bó chặt. Không đứng lâu. Có thể đi lại quanh lớp, đôi khi ngồi xuống cùng học sinh như một sự tương tác thân mật, nhưng lại giúp cho đôi chân giảm áp lực.
Bất cứ khi nào có thể, giáo viên tăng cường cách thức làm cho máu dễ dàng trở về tim, như một số bài tập nhón chân, căng cơ bắp chân, gác chân cao…
L.Minh
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39