Nghiệt ngã ung thư: Những sai lầm khiến bệnh trở nên... 'hết thuốc chữa'
Điều nghiệt ngã của ung thư không phải do bệnh không thể chữa mà đến từ những quan điểm sai lầm khiến người bệnh được điều trị quá trễ.
Nội soi phát hiện sớm ung thư đại trực tràng. Ảnh: Nam Sơn
Tuy nhiên, điều “nghiệt ngã” của ung thư không phải do bệnh không thể chữa mà đến từ những quan điểm sai lầm khiến người bệnh được điều trị quá trễ
"Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tại nước ta còn cao hơn các nước đã phát triển phần lớn là từ những nhận thức không đúng, thậm chí sai lầm của người dân về loại bệnh này" Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM |
Nhắc đến bệnh ung thư ai cũng sợ và có suy nghĩ “y học hiện nay vẫn chưa thể chữa được bệnh ung thư”. Tuy nhiên, điều sai lầm là “ung thư” không phải là tên của một bệnh, mà nó là tên chung của hơn 100 bệnh. Tức có đến hơn 100 loại ung thư.
“Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tại nước ta còn cao hơn các nước đã phát triển phần lớn là từ những nhận thức không đúng, thậm chí sai lầm của người dân Việt Nam về loại bệnh này”, bác sĩ Tiến đánh giá.
Đi lòng vòng, bệnh “hết thuốc”
Tuy nhiên, đến phút cuối, bà A. lại thôi không đến bệnh viện mà rẽ hướng điều trị theo các “mách nhỏ” dân gian, được “người quen” chỉ dẫn. Hơn một năm, tốn bao công sức, tiền bạc, đi hết “thầy” này đến phương pháp nọ, cuối cùng, bệnh không khỏi.
Đây không phải là trường hợp cá biệt người bị ung thư tìm đến các phương pháp “trôi nổi” theo chỉ dẫn truyền miệng. Có một thực trạng là khi biết mình bị ung thư, nhiều bệnh nhân lại không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, mặc dù bệnh còn ở giai đoạn điều trị được.
“Chuyện đau lòng mà tôi thường xuyên gặp trong quá trình điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là có những bệnh nhân giai đoạn rất sớm nếu mổ sẽ chữa khỏi hoàn toàn. Thế nhưng, chuẩn bị phẫu thuật, bệnh nhân bỏ trốn hay xin xuất viện vì rất nhiều lý do: sợ mổ, sợ đụng dao kéo sẽ làm bệnh lan nhanh hơn, nghe lời truyền miệng đi điều trị thuốc nam thuốc bắc, thuốc gia truyền, dùng lá cây,… Sau một thời gian, bệnh nhân quay lại bệnh viện với tình trạng trầm trọng hơn, đau đớn vật vã, khó thở, không đi tiêu tiểu được, bụng chướng không ăn uống được, không còn khả năng điều trị triệt để và thậm chí tử vong”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
“Do đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, thời gian điều trị kéo dài, giảm hiệu quả điều trị bệnh, mà chi phí điều trị tăng cao và kéo dài kèm với tỷ lệ tái phát và tử vong cao”, bác sĩ Tiến nhận định.
Những quan niệm sai lầm về bệnh
Bác sĩ Tiến đã chỉ ra những sai lầm mọi người đang mắc phải khi phòng và trị bệnh ung thư như sau.
Trước tiên là người dân thường không thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Trong khi thực tế, nhiều bệnh ung thư có thể phòng ngừa như: ung thư gan, ung thư cổ tử cung nhờ chích ngừa viêm gan siêu vi A/B, HPV….; ung thư như phổi, đại trực tràng, gan,… có thể được phòng phòng ngừa nếu không lạm dụng quá nhiều rượu bia, không hút thuốc lá chủ động và hít thuốc lá thụ động; chăm vận động, ăn rau...
Không đi tầm soát bệnh: Một số bệnh ung thư có thể được phát hiện sớm và trị khỏi như ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến vú…
Không điều trị đúng cách: Uống thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc hoặc chưa có những bằng chứng khoa học khẳng định hiệu quả trong hỗ trợ ung thư; ung thư cũng không thể chữa khỏi bởi thầy lang, bùa ngãi…
Một số quan điểm sai lầm chết người về bệnh ung thư như: “Bệnh nhân mắc ung thư càng đụng dao kéo càng nhanh chết!”; "ung thư là bản án tử hình"; "trải qua điều trị ung thư có nghĩa là không thể sống và làm việc bình thường lại được"; "tất cả các liệu pháp điều trị ung thư đều đau đớn"; "người bị bệnh ung thư không nên ăn đường",...
Đặc biệt, có quan điểm cho rằng: “không nên bồi dưỡng dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vì làm thế là nuôi bướu, nuôi tế bào ung thư phát triển mạnh hơn”.
Theo bác sĩ Tiến, qua ghi nhận thực tế cho thấy rất nhiều bệnh nhân ung thư khi chữa trị bệnh đã áp dụng chế độ như nhịn đói, uống nước hoa quả... nhằm mục đích để tế bào ung thư chết đi. “Đây là sai lầm trầm trọng khiến bệnh nhân nhanh chóng suy kiệt, suy mòn sức lực do ung thư và do suy dinh dưỡng”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Ngược lại, có nhiều thông tin về những “siêu thực phẩm” có thể dùng để chữa khỏi ung thư, khiến người bệnh tìm kiếm và chỉ tin dùng những thực phẩm này. Nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh có loại thực phẩm nào siêu đến thế.
“Điều mà ai cũng thấy được là nếu thầy bùa, thầy lang, thuốc nam thuốc bắc, cây cỏ… mà điều trị được bệnh ung thư thì các bệnh viện ung thư, các trung tâm nghiên cứu về ung thư trên toàn thế giới đã… đóng cửa. Thực tế ngược lại. Vậy thì tại sao lại tin vào những tin đồn vô căn cứ để trả giá đắt cả sinh mạng khi điều trị bằng những phương pháp không có cơ sở khoa học”, bác sĩ Tiến khẳng định.
Theo bác sĩ Tiến, nhìn nhận một cách tích cực thì thực phẩm, các phương pháp dân gian (có cơ sở y học) có chăng chỉ là những phương pháp điều trị hỗ trợ, giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, giúp “đè nén” căn bệnh ung thư, không cho nó phát triển, tái phát sau khi đã lấy đi phần lớn khối bướu bởi những phương pháp điều trị chính thống.
Khải Linh
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39