Mối nguy hiểm từ bụi mịn
Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, bụi mịn có khả năng len sâu vào phổi và đi trực tiếp vào máu có khả năng gây ra hàng loạt bệnh về ung thư, hô hấp.
Bụi mịn là gì?
Theo thuật ngữ khoa học, bụi mịn, hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người). Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Khi nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Những tình trạng này tương tự như khi độ ẩm cao hoặc sương mù.
Theo ông Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, bụi mịn sinh ra do các khí thải từ phương tiện xe cơ giới như ô tô, xe máy, các nhà máy sản xuất đốt nhiên liệu, nhiên liệu hóa thạch. Khi nồng độ bụi trong không khí càng lớn, đường kính hạt bụi càng nhỏ (PM5, PM2.5) thì bụi càng thâm nhập vào sâu trong phổi và gây tác hại càng nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Còn theo các chuyên gia y tế, đối với những hạt bụi, dù vô cơ hay hữu cơ đều xâm nhập vào hệ hô hấp của con người qua không khí và đi vào phổi. Trong không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu. Riêng với những hạt bụi có kích thước PM2,5 có thể đi thẳng vào phế nang phổi, thậm chí đi thẳng vào máu. Với bất cứ dị nguyên nào từ môi trường vào cơ thể đều có thể gây kích ứng.
Trong tháng vừa qua, nhiều người ở Hà Nội cảm thấy ngột ngạt, không khí mờ mịt vì bụi lơ lửng trong không khí, mức độ ô nhiễm càng cao ở các điểm có nhiều phương tiện qua lại.
Có những thời điểm trong tháng 1-2019, nồng độ bụi mịn vượt mức 100, gấp trên 2 lần quy chuẩn quốc gia và trên 4 lần so với quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Hà Nội và TP.HCM đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí. Năm 2019, nhiều ngày bụi liên tục lơ lửng trong không khí, gây tình trạng khó chịu cho sức khỏe nhiều người.
Do bụi mịn PM2.5 với kích cỡ li ti bằng 1/30 sợi tóc nên được coi là “sát thủ” nguy hiểm nhất trong không khí bởi khả năng len lỏi sâu vào cơ thể, gây ra hàng loạt bệnh về hô hấp.
Cảnh báo ở các thành phố lớn
Tại Hà Nội, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng – nơi đang có các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, Hà Nội, trong những ngày hanh khô, dọc tuyến đường này bao trùm khói bụi. Dọc hai bên đường, nhà dân bị phủ những lớp bụi dày do các phương tiện giao thông qua lại cuốn lên.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng giống như “điểm đen” về ô nhiễm không khí, điều đó được phản ánh qua kết quả quan trắc chất lượng không khí nơi đây luôn ở mức cao nhất trong 10 điểm đo không khí của Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội.
Theo các chuyên gia, với ngưỡng phân chia chất lượng không khí thành 5 nhóm tác động đến sức khỏe con người từ: tốt, trung bình, kém, xấu, nguy hại, chất lượng không khí ở Hà Nội luôn ở nhóm kém trong quý 1 của năm rồi.
Gần đây nhất, số liệu quan trắc tại 10 trạm đo chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội do Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội thực hiện cho thấy tuần từ ngày 20 đến 26-1-2019, chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội suy giảm rõ rệt so với những tuần trước đó, nhiều nơi ở mức kém và xấu.
Tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm bụi mịn cũng là thực trạng đáng báo động ở TP.HCM, dù các chỉ số có dấu hiệu tích cực hơn so với chất lượng không khí ở Hà Nội.
Nguy cơ gây ung thư phổi
Theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương, với chỉ số hạt bụi PM2.5, những hạt bụi này rất nhỏ có thể đi thẳng vào phế nang phổi hoặc đi thẳng vào máu, gây độc cho cơ thể. Loại bụi này có thể vượt qua cả khẩu trang người dân đeo để đi vào cơ thể.
Ngoài ra, theo bác sỹ Hồng, bụi trong không khí có nhiều loại bao gồm cả bụi vô cơ và bụi hữu cơ. Ở Hà Nội, nguồn bụi xuất phát chủ yếu từ mật độ giao thông lớn nên bụi hữu cơ nhiều lại lẫn với nhiều tạp chất khác như nitơ, lưu huỳnh, kim loại… rất độc hại.
Những hạt bụi này chứa nhiều hợp chất hóa học có thể gây kích ứng như hắt hơi, sổ mũi, ho, khó thở… Về lâu dài, nó có thể gây ra tình trạng rối loạn đường thở. Riêng với bệnh nhân có nền bệnh sẵn như bệnh hô hấp, bệnh mãn tính ở phổi, bệnh tim mạch…, tình trạng có thể nặng nề hơn , biến chứng nguy hiểm hơn.
Bên cạnh đó, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hồng cho rằng, trong những thời điểm ô nhiễm, người dân nên có ý thức tự bảo vệ mình bằng khẩu trang, kính mắt. “Dù bụi PM2.5 khẩu trang thông thường không thể phòng tránh được, nhưng khẩu trang sẽ hạn chế phần nào bụi khói khi tham gia giao thông”, bác sỹ Nguyễn Ngọc Hồng nhấn mạnh
Đặc biệt, với các đối tượng có cơ địa dị ứng, nhạy cảm, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, hoặc các bệnh nền mãn tính đều có thể khiến bệnh nặng thêm hoặc dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm khi chất lượng không khí kém do vậy không nên đi ra đường. “Kể cả những hoạt động ngoài môi trường như tập thể dục buổi sáng, đi dạo buổi chiều đều không tốt cho sức khỏe. Những đối tượng này nếu thấy bất cứ triệu chứng ho, khó thở tăng lên, cần đi khám ngay”, bác sỹ Hồng khuyến cáo.
Để hạn chế lượng bụi mịn ảnh hưởng sức khỏe con người theo ông Đăng, cần hạn chế tối đa khí thải của xe máy, ô tô, nhất là những xe quá niên hạn, lượng khói đen thải ra lớn.
Hà Thu
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39