Làm gì khi 70% ca bệnh COVID-19 không triệu chứng?
Ngày 27-8, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài phát đi thông báo số 3 (tính từ 20-8), khi hành khách L.T.P.U. ở Gia Lộc, Hải Dương, đi Nhật Bản trên chuyến bay JL752 hôm 25-8 đã dương tính với COVID-19 khi nhập cảnh Nhật Bản.
Trước chị U., đã có 3 hành khách ở Hà Nội, Hà Nam và Hải Phòng dương tính với COVID-19 khi bay đến Nhật Bản và Hàn Quốc.
70% bệnh nhân không triệu chứng
Các triệu chứng thường được nhắc tới hiện nay liên quan COVID-19 là sốt, ho, khó thở, mất hoặc giảm khứu giác, nhưng theo tổng hợp của tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia, trong số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện có đến 70% không có biểu hiện lâm sàng, trên 16% biểu hiện nhẹ, số người sốt, ho, khó thở, đau ngực, mất khứu giác và các biểu hiện nặng hơn chiếm chưa đầy 14%.
70% người mắc bệnh không triệu chứng kể trên là nhóm rất dễ bị bỏ sót trong tình huống mầm bệnh xuất hiện ở nhiều nơi như hiện nay. Trường hợp bệnh nhân U. kể trên, tỉnh Hải Dương đang có 2 ổ dịch được khoanh vùng tại thành phố Hải Dương, nhưng chưa ghi nhận ổ dịch tại Gia Lộc. Biểu hiện bệnh của bệnh nhân cũng không có triệu chứng nên vẫn xuất cảnh được bình thường.
Ngày 25-8 có một bệnh nhân dương tính sau 14 ngày cách ly tại Chí Linh, Hải Dương cũng không có triệu chứng, bệnh nhân đã về nhà trước khi nhận kết quả xét nghiệm.
Nhưng dù có hay không có triệu chứng, bệnh nhân COVID-19 vẫn làm lây lan sang người khác như bình thường. Ở giai đoạn này, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận xét virus corona gây COVID-19 đã biến đổi gen theo hướng dễ lây lan hơn, và thực tế cho thấy có nhiều chùm ca bệnh, bệnh nhân siêu lây nhiễm hơn hẳn giai đoạn trước.
Giải pháp hữu hiệu lúc này chính là tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay sạch và giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc. Rất đơn giản nhưng hiệu quả. Hãy tạo một thói quen với những biện pháp chống dịch kể trên, thay vì lúc nào cũng lo lắng mầm bệnh ở quanh ta.
Có nguy cơ bùng phát những đợt dịch mới
Phát biểu tại buổi giao ban với các sở y tế sáng 27-8, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian tới đây cũng tiếp tục có những ca bệnh trong cộng đồng, do mầm bệnh đã có ở nhiều nơi. "Nguy cơ của Việt Nam là vừa từ bên ngoài - người Việt và người nước ngoài nhập cảnh, vừa từ bên trong do mầm bệnh trong cộng đồng" - ông Long nhận xét.
Tình hình hiện nay, ông Long cho rằng nỗ lực chống dịch phải gấp 2-3 lần trước đây. Mỗi địa phương phải rà soát để bịt các lỗ hổng. Trường hợp bệnh nhân đã về nhà hôm 25-8 trước khi nhận kết quả dương tính tại Hải Dương cho thấy có lỗ hổng, tới đây áp dụng chặt chẽ 2 xét nghiệm âm tính mới được rời khu cách ly. Các cơ sở y tế thực hiện khai báo y tế, tránh xảy ra phong tỏa bệnh viện hoặc xuất hiện ổ dịch trong bệnh viện như trường hợp ở Đà Nẵng.
Ngoài ra, cần đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. Hiện đã có xấp xỉ 35 nhân viên y tế mắc COVID-19. Qua khảo sát của chúng tôi, các bệnh viện hiện đều đo nhiệt độ, phân luồng người tới bệnh viện, tuy nhiên tại Hà Nội đã có 3 bệnh viện chuyên khoa mắt phải tạm ngừng hoạt động do chưa đảm bảo an toàn chống dịch, hàng ngàn phòng khám cũng đang được kiểm tra.
Còn các địa phương khác, bệnh viện, phòng khám liệu có an toàn thì chưa có câu trả lời.
L.ANH - T.PHÙNG
Link nguồn:
https://tuoitre.vn/lam-gi-khi-70-ca-benh-covid-19-khong-trieu-chung-20200828073017327.htm
Theo tuoitre.vn
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39