Dược thiện từ con lợn
Ở nước ta, con lợn đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân.
Mỗi khi Tết đến, xuân về, có nhiều tục lệ gắn liền với con lợn như thi lợn, rước lợn, tế lợn, giết lợn khao quân… Về mặt y học, lợn còn cung cấp một số bộ phận có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Lợn có nhiều giống khác nhau, ngoài lợn nhà còn có lợn rừng còn gọi là lợn lòi. Về cấu tạo, do sống trong môi trường hoang dã, luôn phải đấu tranh để sinh tồn nên về mặt cấu tạo cơ thể của chúng có nhiều điểm hơi khác. Do cách sống, cách ăn của lợn rừng đa dạng nên thịt lợn rừng thường nạc, thơm, giòn hơn thịt lợn nhà. Ngày nay, nhiều địa phương như Hòa Bình... đã tổ chức nuôi các giống lợn rừng cho thu nhập kinh tế cao.
Móng giò hầm ngó sen tươi.
Ngoài giống lợn lòi nói trên, ở nước ta còn có giống lợn vòi. Lợn vòi thường sống đơn độc trong rừng sâu, nơi có các khe suối, đầm lầy. Chúng có thân hình to lớn. Thường cao từ 0,75 - 1,2m, dài từ 1,8 - 2m, nặng từ 2-3 tạ. Chúng có tập quán ăn các lá, cành non và rễ cây, hay ngâm mình dưới nước. Lợn vòi thuộc hàng thú quý hiếm ở nước ta, cần được bảo vệ.
Lợn là gia súc đưa lại nguồn kinh tế khá cao cho người nông dân Việt Nam. Tuy không đưa lại kinh tế lớn, song người ta coi như “đồng tiền bỏ góp”, giúp người dân có một cái vốn kha khá trong chi tiêu. Nhưng ngày nay, việc chăn nuôi lợn đa phần đã trở thành một nghề, người ta nuôi theo trang trại với quy mô công nghiệp. Thức ăn được chế biến sẵn theo tỷ lệ đầy đủ các chất bột, đạm, béo, vitamin, khoáng và thường xuyên được theo dõi, chăm sóc về mặt y tế. Do đó, lợn lớn nhanh và ít mắc bệnh. Lợn đóng góp giá trị lớn vào nền kinh tế nước ta. Không những hàng ngày cung cấp thịt cho mọi người mà còn đóng góp lớn vào kho hàng xuất khẩu của nông nghiệp ra các thị trường trên thế giới.
Thịt lợn là thức ăn rất cần thiết, toàn diện và quý giá với cơ thể con người. Thịt lợn chứa nhiều acid amin cần thiết: tryptophan, threonin, isoleucin, lysin, methionin, phenylalanin…; nhiều vitamin nhóm B: B1, B2, B3, B5, B6, B12; các vitamin A, C, D, E, K rất cần thiết cho cơ thể con người. Ngoài ra, thịt lợn còn cung cấp các chất khoáng có giá trị như Ca, Mg, Mn, Zn, Fe, Cu, K, Se... Các bộ phận khác của con lợn cũng có giá trị chữa bệnh cao.
Tim lợn hấp cách thủy với bột thần sa rất tốt cho người bị yếu tim, tim đập loạn nhịp, người mệt mỏi, da xanh, gầy, hay hồi hộp, ngủ hay mê sảng, mất ngủ.
Tụy lợn
Dùng cho người đái tháo đường typ 2:
Tụy lợn rửa sạch, luộc chín tới, mỗi buổi sáng ăn 1 cái. Có điều kiện ăn hàng ngày. Hoặc đem tụy lợn sấy khô, tán bột mịn, ngày ăn 3 lần, mỗi lần 4g, chiêu với nước ấm.
Cũng có thể bào chế dưới dạng hoàn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g. Hoặc lấy 1 cái tụy lợn nấu với 40g hoàng kỳ. Nấu nhừ, ngày 1 thang, ăn liền 10 ngày.
Hoặc dùng bài thuốc: tụy lợn sấy khô làm bột 12g; hoài sơn 12g; cát căn, ý dĩ đồng lượng 8g. Tất cả tán bột. 3 loại bột hoài sơn, cát căn, ý dĩ nấu chín, rồi cho tụy lợn vào quấy đều. Chia 2 lần ăn trong ngày. Phương này dùng cho người bệnh đái tháo đường thiên về chứng thận hư nhiệt.
Mật lợn
Sau khi mổ lợn, lấy mật lợn ngay, lọc bỏ cặn. Dịch mật được bảo quản ở tủ lạnh để tránh bị ôi thiu. Mặt khác, dùng bách bộ thái phiến mỏng, sao vàng, tán bột mịn. Cứ 1 phần mật lợn (tính bằng gam) trộn đều với 3 phần bột bách bộ (tính bằng gam), chế viên hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g, chiêu với nước ấm. Trị ho khan, ho lâu ngày, ho gà.
Tim lợn
Tim lợn được dùng rất tốt cho người bị yếu tim, tim đập loạn nhịp, người mệt mỏi, da xanh, gầy, hay hồi hộp, ngủ hay mê sảng, mất ngủ. Cách làm: tim lợn lấy ngay sau khi mổ lợn, bổ đôi, cho đều 1,5g bột mịn thần sa (đã thủy phi) vào giữa tim lợn, ấp tim lại, dùng dây sợi buộc cho kín, hấp cách thủy, đến khi tim chín đều. Ăn trong ngày. Cách ngày ăn 1 quả, ăn liền 3 - 5 quả là một đợt.
Thận lợn
Thận lợn được dùng cho người yếu thận với biểu hiện: đau lưng, gối, tiểu nhiều, ngủ mê, hay toát mồ hôi, trí nhớ giảm. Cách làm cũng tương tự như với tim lợn. Mỗi lần chỉ lấy 1 quả thận, cũng làm với 1,5g bột thần sa (sau khi thủy phi). Ăn cách ngày. Ăn liền 3 - 5 quả là một đợt.
Móng giò lợn
Móng giò lợn dùng rất tốt cho phụ nữ sau sinh, ít sữa: móng giò tươi chỉ lấy phần khuỷu ngón, bổ nhỏ, ninh nhừ với gạo nếp, thêm hành, gia vị cho dễ ăn. Ăn cách ngày. Ăn liền 3-5 lượt.
Với người bị chảy máu cam, cũng làm tương tự, nhưng ninh với ngó sen tươi. Ăn cả ngó sen và móng giò, rất hiệu nghiệm.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh/skds
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39