Dịch lở mồm long móng tràn lan, Cục Thú y đổ lỗi cho... địa phương
Sau khi Báo Dân Việt có 3 bài phản ánh liên tiếp: "Dịch lở mồm long móng vẫn bùng phát, lãnh đạo Cục Thú y ở đâu": "Dịch lở mồm long móng bùng phát khắp nơi: Cả hệ thống thú y tê liệt" và "Dịch lở mồm long móng mất kiểm soát: Cục trưởng Thú y phải chịu trách nhiệm", hôm nay 2.1, Cục Thú y đã có thông tin phản hồi và lý giải về các nguyên nhân khiến dịch lở mồm long móng (LMLM) lây lan nhanh trong thời gian qua...
Điều đáng nói là trong văn bản thông tin này, Cục Thú y nói chung và cá nhân ông Cục trưởng Phạm Văn Đông nói riêng không thừa nhập một chút trách nhiệm nào của Cục và cá nhân Cục trưởng với tư cách là "tư lệnh" trong phòng chống dịch của Trung ương tới phạm vi toàn quốc, mặc dù chức năng, nhiệm vụ của Cục đã được quy định cụ thể trong Luật Thú y 2015 và Nghị định 35 của Chính phủ về hướng dẫn Luật Thú y.
Do không được hướng dẫn kịp thời, người dân ở Hà Nam vẫn bán lợn bị bệnh LMLM đi bán, càng làm lây lan dịch bệnh lớn hơn (ảnh chụp ngày 26.12.2018). Ảnh: Trần Quang.
Do các địa phương làm không tốt?
Theo Cục Thú y, từ đầu tháng 12.2018 đến ngày 27.12.2018, dịch bệnh LMLM đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam,...) làm nhiều lợn nuôi thịt của các các hộ chăn nuôi (do chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM) mắc bệnh.
Trong văn bản lý giải về thực trạng này, Cục Thú y chỉ ra 8 nguyên nhân chính:
- Hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện và cấp tỉnh chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời và chưa báo cáo đầy đủ theo quy định;
- Mầm bệnh vi rút LMLM lưu hành nhiều trên đàn gia súc, hầu hết người chăn nuôi không tổ chức tiêm phòng đàn lợn thịt (chỉ tiêm phòng đàn lợn nái, đực giống), khi gặp thời tiết bất lợi rét đậm, rét hại, mưa nhiều,… sẽ phát sinh dịch bệnh;
- Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, còn nhiều tồn tại, bất cập, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện;
- Một số địa phương không lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đã được chỉ định để xét nghiệm;
- Chưa đề xuất công bố dịch để làm cơ sở hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Người chăn nuôi không biết được chủ trương và mức hỗ trợ khi có gia súc bị bệnh, chết buộc phải xử lý, vứt xác lợn chết ra đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
- Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh động vật chưa thường xuyên, liên tục và chưa hiệu quả;
- Người chăn nuôi tự điều trị gia súc bị bệnh, gây lây lan dịch bệnh sang các đàn gia súc khác chưa có dịch bệnh;
- Việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh và ở phạm vi rộng;...
Cán bộ thú y tiến hành lấy mẫu để giám sát bệnh LMLM tại Bắc Ninh.
Hệ thống thú y cơ sở bị xáo trộn?
Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng nêu nhân định, những tồn tại, bất cập theo phản ánh, báo cáo của các Chi cục Chăn nuôi và Thú y ở các tỉnh, thành đang gặp phải, đó là:
- Các địa phương đang sắp xếp lại hệ thống tổ chức theo hướng gộp đầu mối để tinh giảm biên chế; một số Chi cục được sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc Sở NNPTNT; nhiều tỉnh đã cắt giảm rất nhiều nguồn nhân lực và kinh phí, do đó không còn bảo đảm khả năng tổ chức có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Nhiều tỉnh, thành phố đã sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y với các đơn vị khác thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND huyện quản lý. Do vậy, các Chi cục Chăn nuôi và Thú y không còn hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y trực thuộc như trước đây; và việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM nói riêng và công tác thú y nói chung do các Trung tâm này thực hiện theo chỉ đạo của UBND cấp huyện.
- Các địa phương chỉ có chính sách hỗ trợ tiêm phòng vắc xin LMLM cho trâu, bò, lợn nái và lợn đực giống; không hỗ trợ vắc xin tiêm phòng cho lợn thịt, trong khi vi rút LMLM lưu hành nhiều, nhất là đối với các trường hợp lợn bệnh, người chăn nuôi giữ lại để điều trị, mặc dù lợn có thể khỏi triệu chứng lâm sàng, những vẫn mang và bài thải vi rút LMLM lây lan sang các đàn chưa bị bệnh.
Như vậy, cho đến nay dư luận vẫn đang chờ đợi câu trả lời từ Cục Thú y và cá nhân ông Cục trưởng là, các ông ở đâu giữa lúc dịch LMLM đang bùng phát dữ dội nhất; tại sao không kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ NNPTNT để Bộ có những đề xuất, tham mưu trình Chính phủ triển khai các giải pháp phòng chống dịch trên diện rộng và các các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi?.
Chưa biết vi rút gây bệnh LMLM hiện nay thuộc chủng gì? Theo Cục Thú y, hiện Cục này đã chỉ đạo Trung tâm Chẩn đoán thú Trung ương và Chi cục Thú y vùng VI giải trình tự gien vi rút LMLM đã gây bệnh trong thời gian vừa qua để có cơ sở hướng dẫn sử dụng vắc xin cho phù hợp và hiệu quả. Tuy nhiên, theo một thông tin khác, vi rút gây bệnh LMLM trên đang lợn hiện nay thuộc type O, dòng SEA, chủng Mya-98 (O/SEA/Mya98). Nhiều ý kiến phản hồi với Dân Việt, đến thời điểm này Cục Thú y vẫn chưa phân tích được chủng vi rút gây bệnh LMLM hiện nay thuộc chủng gì là quá chậm và yếu kém. Từ đó, dẫn tới việc mặc dù một số đàn lợn đã tiêm phòng vắc xin LMLM theo chủng cũ (chủ yếu là vắc xin LMLM type 0) nhưng lợn vẫn bị mắc bệnh. |
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này!
Ngọc Lê
http://danviet.vn/nha-nong/dich-lo-mom-long-mong-tran-lan-cuc-thu-y-do-loi-cho-dia-phuong-944315.html
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03