Đỉa hút máu trong cơ thể người bằng cách nào?
Uống nước lã, tắm khe suối, ao hồ... tạo điều kiện cho đỉa vào cơ thể qua đường miệng, mũi của con người.
Đỉa là phân lớp sinh vật sống dưới nước thuộc ngành Giun đốt (Annelida). Đặc trưng cơ bản nhất là tổ chức cơ thể đã xuất hiện xoang cơ thể chính thức, cơ thể có phân đốt, hô hấp bằng mang. Thức ăn của đỉa là máu các loại động vật. Miệng đỉa có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Đỉa tiết ra chất chống đông máu nên vết chích sẽ bị chảy máu liên tục.
Hiện nay phần lớn bệnh nhân bị đỉa ký sinh trong cơ thể là người miền núi. Nguyên nhân là người dân có thói quen uống nước lã, tắm từ các nguồn nước thiên nhiên như khe suối, ao hồ.
Bác sĩ Lê Thanh Huyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết đỉa nhỏ có thể chui vào miệng, bám vào niêm mạc hầu, xuống thực quản, lên mũi. Khi người hít sâu, đỉa có thể xuống tới phế quản sinh sống trong thời gian dài mà khó phát hiện. Chúng có kích thước bé nhưng khi vào cơ thể hút máu sẽ phát triển rất nhanh.
Thói quen uống nước lã, tắm từ các nguồn nước thiên nhiên như khe suối, ao hồ là nguyên nhân chính khiến đỉa chui vào cơ thể. Ảnh: Asianews
Triệu chứng thường gặp khi bị đỉa ký sinh là chảy máu liên tục, do đỉa tiết ra chất hirudine có tác dụng chống đông máu, bệnh nhân không cảm thấy đau đớn. Khi bị đỉa chui vào cơ thể, nạn nhân có triệu chứng ho ra máu, nôn ra máu, tiểu ra máu.
Sinh vật chủ khi bị đỉa cắn khó cầm máu. Thường đỉa vào cơ thể bám vào thanh quản, hầu, mũi, họng, thực quản hoặc ở niệu đạo, bàng quang, bộ phận sinh dục của con người...
Đỉa ký sinh ở hầu, khí quản sẽ gây ngạt thở, có thể dẫn đến tử vong. Đỉa chui vào mắt gây chảy máu ở mắt, người bệnh sợ ánh sáng, chảy nhiều nước mắt. Đỉa ký sinh ở thực quản làm cho người nuốt khó, nôn oẹ. Đỉa cũng có thể chui vào âm hộ gây chảy máu kéo dài, chui vào đường sinh dục của nam giới làm chảy máu đường tiết niệu...
Theo các bác sĩ, điều trị đỉa ký sinh sẽ tùy theo từng trường hợp. Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ đỉa xâm nhập vào cơ thể.
Nếu bị đỉa xâm nhập vào các hốc tự nhiên, nạn nhân nên súc miệng bằng nước muối mặn hoặc hít chất có mùi cay, mùi hăng. Nếu đỉa bám ở vùng nông, bác sĩ dùng ống soi để gắp đỉa ra. Đỉa bám vào ở sâu trong các bộ phận cơ thể, phải gây tê và dùng dụng cụ chuyên dùng để gắp. Nếu chúng chui ở quá sâu, bác sĩ buộc phải mổ bệnh nhân để bắt đỉa.
Thúy Quỳnh
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39