Thông tin về sử dụng các sản phẩm từ đậu nành gây ung thư từng khiến dư luận xôn xao. Nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành y tế đã chia sẻ xoay quanh vấn đề này.
Thời gian vừa qua, từng xuất hiện một số thông tin về việc sử dụng đậu nành, hay những sản phẩm từ đậu nành có khả năng mắc bệnh ung thư, làm tăng kích thước khối u, chống chỉ định với trường hợp có u xơ, u nang, u tuyến giáp... gây xôn xao dư luận.
Chia sẻ với PV về vấn đề này, bác sĩ Trần Châu Quyên - Trưởng khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội) cho biết: Qua các nghiên cứu thì u xơ tử cung là bệnh thường gặp ở tử cung của phụ nữ và chiếm đến 70-80% những bệnh về tử cung. Rất nhiều bệnh nhân khi mắc u xơ thường cho rằng đậu nành có những tác động nhất định đến khối u là do tử cung có liên quan đến nội tiết sinh sản của phụ nữ nên sẽ chịu nhiều tác động của hooc môn nữ.
Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành là những thực phẩm rất gần gũi, thường thấy trong bữa ăn hằng ngày. Cũng đã có nhiều nghiên cứu cho thấy đậu nành tốt cho hệ tim mạch, ngăn ngừa bệnh loãng xương và giúp giảm nguy cơ một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến.
Theo bác sĩ Quyên, trong đậu nành có chứa thành phần phytoestrogen, có cấu trúc gần tương tự như nội tiết tố estrogen nhưng nguồn gốc từ thực vật. Thực tế, phytoestrogen trong đậu nành có cấu trúc không hoàn toàn giống estrogen trong cơ thể nên không phát huy hoàn toàn tác dụng như estrogen với các cơ quan trong cơ thể người. Do đó người có u xơ tử cung vẫn có thể sử dụng được đậu nành. Những sản phẩm chiết xuất từ đậu nành, mầm đậu nành rất tốt với cơ thể từ protein, vitamin, khoáng chất đến các loại dầu có trong đậu nành, thậm chí còn có cả canxi trong chế phẩm từ đậu nành.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức - nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương khẳng định: Đậu nành là một trong nhiều thực phẩm chứa “kích thích tố nữ” estrogen. Gọi là “kích thích tố nữ” vì estrogen là một yếu tố hóa học chi phối sự phát triển sinh dục của phụ nữ. Trong thời kỳ còn khả năng sinh sản, estrogen là một kích thích tố quan trọng đóng vai trò điều hòa các hoạt động sinh học của cơ thể, kể cả sinh hoạt tình dục. Nhưng sau thời kỳ mãn kinh, buồng trứng không còn sản xuất estrogen nữa và gây ra thay đổi tâm sinh lý trong người phụ nữ.
“Thông tin đậu nành hay sữa đậu nành gây ung thư chưa có bằng chứng khoa học. Nếu nghi ngờ mầm đậu nành chứa một chất tương tự như estrogen và cho rằng estrogen có thể gây ung thư là không có cơ sở”, - Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức khẳng định.
Ths.BS Nguyễn Lê - chuyên ngành ung bướu, bệnh viện Quân y 103 khẳng định đây là những thông tin không có cơ sở. Các nghiên cứu chính thống chưa bao giờ đề cập điều này, bệnh nhân ung thư cũng chưa bao giờ được khuyến cáo hạn chế ăn đậu nành. Đậu nành rất lành, tốt cho cơ thể.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng nhấn mạnh: “Estrogen trong mầm đậu nành là estrogen thực vật hay còn gọi là phytoestrogen, không phá vỡ chức năng nội tiết, cũng không gây nguy cơ ung thư như lời đồn. Ngược lại, nhiều nghiên cứu trên thế giới còn chứng minh: Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành có tác dụng giảm nguy cơ ung thư”.
Còn Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Văn Thiệp - Chủ nhiệm Bộ môn Ung thư học (Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh) khẳng định: “Isoflavone trong đậu nành cũng có tác dụng kháng lại tế bào ung thư và có lợi cho tim mạch. Nghiên cứu gần đây nhất (năm 2011) cho thấy đậu nành và các thực phẩm làm từ đậu nành tốt cho bệnh nhân sau điều trị ung thư vú”.
Ngay tại Mỹ, năm 1998, Cục quản lý Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công bố trên trang http://www.fda.gov khẳng định tinh chất mầm đậu nành và hiệu quả tích cực hỗ trợ sức khỏe con người về: Tim mạch, xương khớp, hỗ trợ phụ nữ, chống lại sự oxy hóa. Nhiều công trình khoa học sau đó đã phủ định hoàn toàn những quan điểm cũ kỹ, lạc hậu về tác hại của đậu nành hay tinh chất mầm đậu nành và khẳng định tinh chất mầm đậu nành rất tốt đối với sức khỏe, đặc biệt là đối với các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ.