Cứu sống thiếu nữ người Thái hy vọng sống chỉ còn 1/1.000
Nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, những di chứng để lại do lao phổi vô cùng nặng nề, có những lúc tưởng chừng hy vọng sống chỉ còn 1/1.000 nhưng nữ bệnh nhân L.T.C, (25 tuổi, người dân tộc Thái, tỉnh Nghệ An) đã được các bác sĩ Bệnh viện Phổi trung ương phối hợp cùng Bệnh viện E và Bệnh viện Việt Đức cứu sống sau nhiều ca phẫu thuật phức tạp.
Nữ bệnh nhân LT.C được cứu sống sau nhiều ca phẫu thuật rất phức tạp
Theo Bệnh viện Phổi trung ương, nữ bệnh nhân L.T.C có tiền sử mắc lao phổi cách đây 2 năm, dù đã được điều trị đúng phác đồ và khỏi bệnh tại tuyến cơ sở nhưng di chứng do lao để lại vẫn còn rất nặng, đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Toàn bộ lá phổi phải của cô gái trẻ này mất hoàn toàn chức năng, khí quản, phế quản bị chít hẹp, biến dạng, cong gập dẫn đến chức năng thông khí kém gây ra tình trạng suy hô hấp, chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng.
Trước tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ngày càng xấu, các bác sĩ Bệnh viện Phổi trung ương phối hợp với Bệnh viện E đã quyết định phẫu thuật sử dụng kỹ thuật tim phổi máy, là một trong những phương pháp hiện đại nhất để tạo hình lại phế quản gốc bên phải với mong muốn lá phổi bên phải được thông khí trở lại. Tuy nhiên, do thời gian tổn thương quá lâu, các hệ thống khó có thể phục hồi nên phương án tối ưu nhất được lựa chọn đó là cắt phổi phải vì đã mất hoàn toàn chức năng. Tiếp theo các bác sĩ đã quyết định đặt stent vào sâu trong phế quản gốc, giúp định hình và nong đường khí, phế quản rộng hơn cho bệnh nhân.
Tuy nhiên việc đặt stent cho bệnh nhân không hề dễ dàng, ống stent thông thường bằng silicon được sử dụng phổ biến trong việc điều trị hẹp khí quản và phế quản gốc lại không phù hợp với trường hợp của L.T.C do việc đặt stent bằng chất liệu này khi đẩy xuống phế quản được thì bản thân nó cũng bị gập vào và gây ra chít hẹp ngay tại đó nên phương pháp này chỉ mang tính tạm thời và chưa thực sự triệt để.
Bác sĩ Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Khoa Gây mê Hồi sức chia sẻ: “Có những thời điểm, nữ bệnh nhân trẻ này trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” do lượng oxy nhận vào chỉ ở mức 50ml, trong khi người bình thường là 500ml trong một lần hít thở...”.
Trước tình hình đó, các bác sĩ của Bệnh viện Phổi trung ương cùng Bệnh viện E đã phối hợp với bác sĩ Bệnh viện Việt Đức sử dụng hệ thống stent kim loại dạng lưới sắt với giá đỡ tốt hơn. Nhờ cách làm này mà đường dẫn từ khí quản trung đến phế quản gốc đã được thông với nhau hoàn toàn qua hệ thống stent này, đem lại kết quả hết sức tích cực và giải quyết triệt để vấn đề thông khí của bệnh nhân.
Bác sĩ Bệnh viện Phổi trung ương chăm sóc nữ bệnh nhân L.T.C
Đến nay, sau 2 lần phẫu thuật, 6 lần can thiệp đặt ống stent, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân L.T.C đã ổn định, có thể thở tốt hơn, đi lại và ăn uống được.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia chia sẻ: Trước đây, 100% ca bệnh như thế này không thể cứu được nhưng hiện nay với việc áp dụng phương pháp hiện đại, nhiều ca bệnh khó đã được cứu sống và ca bệnh của nữ bệnh nhân L.T.C là một trường hợp điển hình. Ca bệnh của cô gái L.T.C cũng là một trong những minh chứng cho thấy hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao trong việc giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật với số tiền hỗ trợ lên tới hàng trăm triệu cho những kỹ thuật hiện đại bậc nhất, thuốc kháng sinh, kháng thể tiên tiến nhất hiện nay.
Nguyễn Quốc
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03