Có nên gây mê chữa răng cho trẻ nhỏ?
Không ít cha mẹ ngại ngần khi nhắc đến gây mê chữa răng cho trẻ nhỏ.
Bác sĩ Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt khám trước khi quyết định điều trị gây mê chữa răng cho trẻ bại não
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ nha khoa, đây là giải pháp tốt nhất cho những trẻ đang chịu nhiều tổn thương răng, đồng thời bất hợp tác trong điều trị.
Chữa được 16 răng sâu, hỏng tủy trong 1 lần
Sau gần 4 tiếng gây mê, cháu Nguyễn Nhân N. (SN 2014) đã được các bác sĩ của Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt (ĐH Y Hà Nội) điều trị cho cả hai hàm răng vừa sâu vừa viêm tủy. Anh Đ., bố bệnh nhi chia sẻ, con trai không may bị bại não do bị ngạt khi sinh ra tại trạm y tế xã. Trong suốt 4-5 năm qua đa phần cháu chỉ nằm tại chỗ và gia đình bồng bế như trẻ sơ sinh.
Tất cả sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc vào gia đình chăm sóc. Bố mẹ là công nhân may mặc tại công ty, hàng ngày cháu ở nhà với bà. Do nằm 1 chỗ ít vận động nên hệ tiêu hóa của cháu không được tốt, bé N. chỉ ăn được cháo xay. Việc vệ sinh răng miệng cũng hết sức khó khăn, khiến cả hàm răng của cháu đều bị sâu đen.
Tuy nhiên, khi đưa con đi khám ở tuyến dưới thì các bác sĩ chỉ kê cho kháng sinh và giảm đau, không can thiệp. Thời gian gần đây, cháu N. đau nhức hai hàm răng, hàng đêm quấy khóc và bỏ ăn. “Gia đình rất sốt ruột, nên khi nghe được thông tin Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt có giải pháp gây mê chữa răng cho trẻ, nên vội tìm đến đây. Thật nhẹ người khi cháu được chữa cả 16 răng sâu, hỏng tủy trong 1 lần”, anh Đ. cho biết.
Trước đó, bé Nguyễn Minh N. (4 tuổi, Hà Nội) cũng được mẹ đưa đến đây khám với tình trạng sâu toàn bộ răng hai hàm. Đáng nói, bé nhất định không hợp tác, hay bị kích ứng buồn nôn khi chạm vào miệng nên dù đi khám nhiều nơi nhưng cũng không hiệu quả… Tại đây, các bác sỹ đã quyết định điều trị răng cho bé dưới trợ giúp của gây mê. Sau 4 giờ, các bác sỹ đã điều trị tuỷ 12 răng, làm 8 chụp thép bảo vệ các răng hàm, hàn 8 răng sâu. Ngay sau điều trị, bé ăn uống tốt, không đau.
Còn với bé Trần Thanh H. (5 tuổi, Quảng Bình), sâu răng cả 2 hàm, vỡ lớn thân răng; các răng cửa trên chỉ còn chân, phía chóp chân răng đâm thủng xương thòi ra trong lợi. Bé ăn uống kém do đau răng, miệng hôi... Mặc dù trẻ hợp tác nhưng gia đình cũng quyết định lựa chọn gây mê điều trị vì gia đình ở quá xa không tiện đi lại nhiều lần để điều trị. Chỉ sau 1 lần điều trị răng gây mê, bé H. hoàn toàn phục hồi chức năng của hàm răng sữa.
Lựa chọn gây mê điều trị răng cho trẻ khi nào?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Võ Trương Như Ngọc, Phó viện trưởng Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt cho biết: “Với một bé ngoan, hợp tác cũng mất 15-20 buổi hẹn, mỗi buổi 1-2 giờ điều trị, chưa kể với các bé không hợp tác. Hơn nữa, các ca bệnh, chỉ 1 lần gây mê, chúng tôi thực hiện liền 1 lúc các việc tráng răng sâu, điều trị viêm tủy, phục hồi thân răng, chụp sứ với những răng còn giữ lại được, phẫu thuật mô mềm với những ổ viêm nhiễm trong khoang miệng… nhằm giúp trẻ phục hồi được chức năng ăn uống”.
BS. Như Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi vẫn khuyến cáo hạn chế dùng biện pháp gây mê trong điều trị răng cho trẻ. Tuy nhiên, giải pháp này được đánh giá rất hiệu quả đối với những trẻ đặc biệt như trẻ bất hợp tác trong điều trị, hay trẻ vốn mắc các bệnh lý toàn thân như bại não, tự kỷ thể tăng động; trẻ mắc bệnh lý đặc biệt như rối loạn đông máu, bệnh tim mạch… cần đòi hỏi vô khuẩn cao trong quá trình chữa răng. Hay trẻ cùng lúc sâu và viêm tủy nhiều răng bắt buộc phải điều trị trong rất nhiều lần”.
Với trẻ không chịu hợp tác thì việc điều trị răng miệng được thực hiện tại ghế nha khoa tiềm ẩn những nguy cơ gây nguy hiểm cho trẻ, ví như các dụng cụ có thể gây tổn thương niêm mạc miệng của trẻ nếu bác sĩ và điều dưỡng không quản lý trẻ tốt.
Đặc biệt việc giữ bé để điều trị có thể gây sang chấn tâm lý cho bé. Do vậy, việc điều trị răng gây mê giúp trẻ em tránh được những tác động xấu về tâm lý, còn các bậc cha mẹ thì đỡ mất nhiều thời gian và tiền bạc. Đặc biệt, phương pháp này sẽ giúp bác sĩ thao tác tốt, thoải mái, chủ động kiểm soát cầm máu và chống nhiễm khuẩn.
Tuy nhiên, BS Ngọc lưu ý, gây mê cho các các bé rất khó, đòi hỏi ê-kíp thực hiện có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại.
Trên thực tế nhiều cha mẹ có quan niệm “trước sau gì răng sữa sẽ được thay thế nên thường bỏ qua việc điều trị các bệnh liên quan đến răng miệng của trẻ”. “Đó là 1 sai lầm bởi răng sữa của trẻ có nhiều chức năng, như ăn nhai, thẩm mỹ, phát âm…
Trẻ đau răng, hỏng răng hay viêm tủy, gây vỡ hết răng… sẽ khiến trẻ không thể nhai, ảnh hưởng đến phát triển của trẻ. Trẻ có thể tổn thương tâm lý vì hàm răng rất xấu. Thậm chí, nếu mất đi răng sữa còn dẫn đến hiện tượng tiêu xương hàm. Hay nhiễm khuẩn răng sữa sẽ sinh men bất toàn, ức chế ảnh hưởng đế sự phát triển của răng vĩnh viễn sau này.
Do vậy khuyến cáo cha mẹ nên vệ sinh răng sữa đều đặn cho trẻ, nếu có dấu hiệu tổn thương cần can thiệp tại các cơ sở nha khoa có uy tín”, BS Ngọc lưu ý.
Vũ Anh
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39