Cơ chế quản lý rượu, bia còn nhiều lỗ hổng
Trong kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội đã tranh luận căng thẳng về dự luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Tới đây, TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) đưa ra xét xử vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Khoản 2 Điều 260 BLHS 2015. Bị can là bà Nguyễn Thị Nga (47 tuổi) - tài xế gây tai nạn ở ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) hồi tháng 10 năm ngoái làm một người chết, 5 người bị thương. Kết quả đo nồng độ cồn của bà Nga lên đến 0,94 mg/l khí thở. Bà Nga sẽ phải đối diện với khung hình phạt từ 3 - 10 năm tù.
Rượu bia là một trong những nguyên nhân gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ảnh minh họa: IT.
Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên chỉ là một trong nhiều vụ tai nạn xảy ra trong thời gian qua, nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện trước đó đã uống rượu, bia nên không làm chủ được hành vi.
Ngoài những vụ tai nạn giao thông do người lái xe sử dụng rượu, bia, có những vụ án đau lòng như anh em đánh nhau, con giết cha cũng liên quan đến bia rượu…
Tại Quốc hội, nhiều đại biểu nhấn mạnh, tác hại của rượu, bia hiện đã lên đến đỉnh điểm, với hàng loạt các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, các vụ bạo lực gia đình, hiếp dâm,… gây bức xúc dư luận. Cử tri mong mỏi có một đạo luật đủ mạnh để kiểm soát, giải quyết được thực trạng sử dụng rượu bia đang ở mức báo động và tác hại ngày càng nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê, ngoài số lượng rượu thì số lượng bia tiêu thụ của Việt Nam gia tăng rất nhanh. Cụ thể, mức tiêu thụ năm 2017 là 4,05 tỉ lít, năm 2018 đã tăng lên 4,67 tỉ lít. Như vậy, chỉ trong một năm số lượng bia tiêu thụ tăng hơn 600 triệu lít (2016 con số này chỉ có 3,8 tỉ lít), đưa Việt Nam trở thành quốc gia thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ bia bình quân hằng năm cao nhất thế giới, trong khi các nước trên thế giới đang giảm dần.
Trong một cuộc hội thảo mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cảnh báo, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau. Sử dụng rượu, bia được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.
Về tác hại của rượu, bia đã quá rõ. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chỉ cấm quảng cáo rượu vang và rượu mạnh với độ cồn từ 15% trở lên; chưa có quy định về quảng cáo, tài trợ hoặc trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp rượu, bia, chưa có quy định về hạn chế quảng cáo bia. Khi bia không được kiểm soát thì sẽ không mang tính cảnh báo về việc sử dụng. Trong khi theo các chuyên gia, cùng một lượng cồn nguyên chất thì bia, rượu vang và rượu mạnh đều gây tác hại tương đương.
Xem nhẹ việc quản lý rượu, bia, đặc biệt là trong quản lý sản phẩm bia, lấy sản phẩm bia để khuyến mãi, tài trợ, quà tặng… trong nhiều chương trình, dần dần đã làm cho người tiêu dùng, nhất là trong thanh, thiếu niên suy nghĩ bia không gây tác hại bằng rượu; từ đó sẽ dẫn đến việc uống bia nhiều hơn và có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho bản thân người sử dụng, gia đình và hệ lụy đối với xã hội.
Phương Thảo
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03