Chuyên gia nói gì về thông tin truyền bia để giải độc rượu
Mới đây, thông tin BVĐK tỉnh Quảng Trị truyền qua đường tiêu hóa gần 5 lít bia để cứu bệnh nhân ngộ độc rượu đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, nhiều người hiểu rằng có thể uống bia để giải độc rượu là không đúng và rất nguy hiểm.
Đó là khẳng định của BS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai trước thông tin nhiều người thắc mắc liệu có phải uống bia có thể giải độc rượu sau sự việc các bác sĩ đã phải dùng tới gần 5 lít bia truyền vào dạ dày kết hợp việc lọc máu để cứu bệnh nhân ngộ độc rượu nguy kịch.
Theo BS Chính, trong trường hợp ngộ độc rượu mà các bác sĩ vừa cứu sống ở Quảng Trị, người bệnh bị ngộ độc methanol chứ không phải ethanol. Nôm na, có thể hiểu 2 loại rượu này có tác dụng hóa giải lẫn nhau cho nên khi cho người bệnh uống ethanol (truyền bia vào dạ dày) thì sẽ làm mất tác dụng của methanol có trong cơ thể (máu).
Bệnh nhân ngộ độc rượu được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị cuối tháng 12/2018
Ngoài cách truyền bia vào dạ dày của bệnh nhân để giải độc methanol thì các bác sĩ cũng có thể dùng nhiều cách khác để giải độc như bồi phụ kiềm đường tĩnh mạch hay lọc máu cấp cứu.
“Ca này sống vì lọc máu. Một số thông tin đưa ra không chính xác sẽ gây hiểu nhầm việc uống rượu xong uống bia để giải độc. Việc phác đồ điều trị ngộ độc rượu phải là phát hiện sớm và lọc máu là giải pháp duy nhất để cứu người bệnh nhất là bệnh nhân nặng sống chứ không phải sống vì "bơm bia".
Người dân không nên hiểu sai về việc truyền bia vào cơ thể để giải độc. Bởi ngộ độc rượu nặng sẽ được các bác sĩ cứu bằng cách truyền bia vào dạ dày chứ không phải truyền qua đường tĩnh mạch như nhiều người vẫn lầm tưởng”, BS Chính khẳng định.
Trao đổi với PV, ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, bia bản chất là rượu loãng có nồng độ 4,5-5%. Cách cấp cứu này cũng đúng, nhưng chỉ trong bệnh viện và trong hoàn cảnh cấp cứu hồi sức của bác sĩ chuyên khoa hồi sức chống độc mới làm được.
“Việc xác định bệnh là do bác sĩ chẩn đoán, sau đó điều trị theo phác đồ, có tính toán, có liều lượng theo cơ sở khoa học. Người dân tuyệt đối không tự làm theo, bắt chước theo có thể gây nguy hại”, BS Nguyên nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 25/12, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã dùng 15 lon bia (tương đương 5 lít bia) để truyền vào cơ thể bệnh nhân ngộ độc rượu ethannol và đã cứu sống bệnh nhân này.
Lý giải về phương pháp có phần hơi “kỳ lạ” này, BS Lê Văn Lâm – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, rượu gồm hai loại là Etylic và Metylic. Khi vào cơ thể, gan ưu tiên chuyển hóa Etylic và tạo ra sản phẩm không gây độc. Trong khi Metylic được chuyển hóa sau nhưng tạo thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ tử vong rất cao.
Chất Andehit Formic trong máu chính là nguyên nhân khiến ông Nhật hôn mê. Lúc này, cơ thể bệnh nhân hết Etylic. Vì vậy, nhằm hạn chế chuyển hóa Metylic, các bác sĩ truyền bia cho bệnh nhân. Lúc này, cơ thể được bổ sung Etylic khiến gan ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic. Nhờ đó, các bác sĩ có thêm thời gian để lọc máu, giải độc cho bệnh nhân.
Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể. Đây là cơ sở để cứu sống bệnh nhân.
Thảo Nguyên
Tin nổi bật
- Nhiều người đi khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh tâm thần
05/07/2024 - 10:54:06
- Thanh niên suýt mất mạng vì ngộ độc thuốc diệt chuột
04/07/2024 - 10:12:39
- Đau bụng đi khám bác sĩ, bàng hoàng phát hiện sán não ký sinh khắp cơ thể
04/07/2024 - 10:00:07
- Bộ Y tế và UNCEF trao đổi thúc đẩy tiếp tục hợp tác về chăm sóc sức khoẻ nhân dân
04/07/2024 - 09:56:36
- Trích rạch vết thương do vỡ hạt tophi sau biến chứng của bệnh gout, cụ ông bị nhiễm trùng nặng
04/07/2024 - 09:52:37
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm ông Nguyễn Toàn Thắng giữ chức Phó Chánh Văn phòng Bộ
04/07/2024 - 09:50:03