Cách lựa chọn thuốc bổ cho người cao tuổi
Người cao tuổi vì nhiều lý do khiến cho sự hấp thu khoáng chất và vitamin từ thức ăn giảm, do đó có thể không cung cấp đủ nhu cầu về vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Trong khi đó, người cao tuổi thường mắc các bệnh mạn tính và nhu cầu về một số loại vitamin lại tăng lên. Vậy việc bổ sung các loại vitamin và khoáng chất này thế nào cho đúng?
Vitamin và khoáng chất là gì?
Vitamin là những chất dinh dưỡng mà cơ thể cần với một lượng rất nhỏ nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng, đảm bảo cho các phản ứng sinh hóa diễn ra bình thường. Nhu cầu về mỗi loại vitamin đối với cơ thể là khác nhau. Vì cơ thể chỉ có khả năng tự tổng hợp một số ít loại vitamin (ví dụ, da tổng hợp nên vitamin D dưới ánh sáng mặt trời, hệ vi khuẩn chí đường ruột có khả năng sản xuất vitamin K cho cơ thể), nên các loại vi chất thường được cung cấp từ chế độ ăn hàng ngày.
Khoáng chất là những chất vô cơ mà cơ thể cần cho một số chức năng nhất định, như sắt, calci, kẽm...
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng vitamin và khoáng chất cho người cao tuổi.
Nhu cầu ở người cao tuổi
Do giảm vận động và nhu cầu sử dụng năng lượng ở người cao tuổi không cao nên nhu cầu về thiamin (vitamin B1), riboflavin (vitamin B2) hoặc niacin (vitamin B3) ở người cao tuổi không lớn hơn nhiều so với người trưởng thành. Một số người cao tuổi có thể cần nhiều hơn các loại vitamin B6, B12 và folate (B9). Nhu cầu về vitamin C hầu như không thay đổi theo tuổi nếu không hút thuốc. Đặc biệt, người cao tuổi thường thiếu calci, vitamin D, vitamin B12, kali và chất xơ.
Vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thu calci từ thành ruột và cần thiết để duy trì xương khỏe mạnh. Vitamin D có thể ngăn ngừa loãng xương, từ đó ngăn ngừa gãy xương. Bổ sung đủ nhu cầu về vitamin D có thể giảm nguy cơ một số loại ung thư và các bệnh về tim mạch.
Bình thường, vitamin D được tổng hợp khi cơ thể ở ngoài trời và da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ban ngày từ 5 - 30 phút, hai lần/tuần mà không sử dụng kem chống nắng thì có thể cung cấp đủ lượng vitamin D mà cơ thể cần. Người già ít ra ngoài tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nên dẫn đến thiếu vitamin D. Ngoài ra, da và các cơ quan khác (gan, thận) chịu trách nhiệm để sản xuất vitamin D không hoạt động tốt như lúc trẻ.
Ở một vài nghiên cứu cho thấy, nhu cầu về vitamin D ở phụ nữ sau mãn kinh là 800 - 1.000UI/ngày.Vitamin D có nhiều trong dầu gan cá tuyết, cá hồi, cá thu, cá ngừ, lòng đỏ trứng...
Calci: Hầu hết calci trong cơ thể được tìm thấy ở trong xương. Khi cơ thể già đi, calci có khuynh hướng rời khỏi xương và gây nên loãng xương. Để duy trì xương khỏe mạnh khi về già, nên thực hiện một số bài tập chịu lực, như đi bộ nhanh, chơi golf hoặc chạy, nhảy, leo bậc thang. Vì vitamin D giúp hấp thu calci từ thành ruột vào máu nên các chế phẩm bổ sung đều chứa cùng calci và vitamin D.
Người trên 65 tuổi cần khoảng 1.500mg/ngày và không nên sử dụng trên 2.500mg/ngày. Các sản phẩm có chứa nhiều calci như sữa tươi, phô mát, nước trái cây: nước táo, nước cam, nước dứa, dừa tươi...; các loại rau củ như bông cải xanh, mù tạc xanh, ngũ cốc; thực phẩm nguồn gốc động vật như cá hồi, cá mòi, sò...
Sắt: Là một loại khoáng chất quan trọng được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu. Hồng cầu là những tế bào có chức năng vận chuyển ôxy trong cơ thể. Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu khiến cơ thể mệt mỏi.
Phụ nữ mãn kinh có nhu cầu về sắt thấp hơn so với khi còn trẻ. Tuy nhiên, khi về già, người bệnh thường không được cung cấp đủ sắt từ chế độ ăn hàng ngày do khả năng bài tiết acid giảm nên ảnh hưởng đến độ hấp thu của sắt. Chảy máu gây ra bởi loét, chấn thương hoặc phẫu thuật có thể gây thiếu sắt.
Có nhiều dạng muối sắt khác nhau. Khi uống viên sắt, dạ dày có thể khó chịu. Để giảm tác dụng phụ này, có thể uống trong bữa ăn. Sắt cũng có thể gây táo bón và làm phân có màu đen.
Vitamin B12:
Vitamin B12 hay cyanocobalamin, là cơ chất của nhiều tế bào trong cơ thể, đặc biệt là các tế bào thần kinh và tủy sống. Khi cơ thể thiếu vitamin B12, có thể chóng mặt, kích động hoặc xuất hiện ảo giác. Vì vitamin B12 được tìm thấy chủ yếu trong protein động vật, nên những người có chế độ ăn chay có thể thiếu vitamin B12. Thiếu quá nhiều vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu, mệt mỏi, suy nhược, trong nhiều trường hợp, có thể ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh (đau thần kinh ngoại vi).
Ở những người lớn tuổi, do sự giảm tự nhiên lượng acid trong dạ dày làm ảnh hưởng đến việc hấp thu vitamin B12 làm khả năng hấp thu vitamin B12 giảm. Bên cạnh đó, việc sử dụng một số thuốc (thuốc tiểu đường metformin), các bệnh lý ở đường tiêu hóa: hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, viêm dạ dày..., các cuộc phẫu thuật gây chảy máu kéo dài cũng là những nguyên nhân gây thiếu vitamin B12 ở người cao tuổi.
Thịt và các sản phẩm từ sữa là các nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin B12.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trước khi bắt đầu sử dụng bất cứ loại vitamin hay khoáng chất nào, nên tham khảo ý kiến bác sĩ, mà người dân không nên tự ý mua sử dụng. Bởi vì những loại vitamin và khoáng chất này đều có thể gây ra tương tác với một số thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng.
Nguồn cung cấp tối ưu và hiệu quả nhất là từ chế độ ăn hàng ngày (thịt nạc, cá, lòng đỏ trứng, rau củ quả,...). Trong trường hợp nguồn cung cấp trên không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể thì cần bổ sung bằng thuốc và các dạng thực phẩm chức năng. Lưu ý rằng các thực phẩm bổ sung không thể thay thế được một chế độ ăn lành mạnh.
DS. Nguyễn Thị Ngân Thảo
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39