Những vị thuốc quý từ biển
Phần lớn nguồn nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt thuốc y học cổ truyền được lấy từ các sinh vật hoang dã hoặc nuôi trồng trên đất liền. Chỉ một phần nhỏ được khai thác từ các sinh vật sống ở biển, trong khi chúng vô cùng phong phú và đa dạng. Việc khai thác và đánh bắt dược liệu từ biển có ý nghĩa lớn về y tế và kinh tế.
Bào ngư, còn gọi là cửu khổng bào, bào đại não và dương bào. Thịt bào ngư thơm ngon và bổ, chứa tới 24,58% protid, 0,44% chất béo, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, nhất là với người gầy yếu, xanh xao. Vỏ bào ngư (thạch quyết minh) giàu canxi cacbonat. Theo Đông y, thạch quyết minh tác dụng bình can, tiềm dương, thanh can, minh mục, thông lâm. Trị đau đầu, hoa mắt, đau mắt đỏ, mắt có màng mộng, mắt mờ, thong manh, quáng gà, chói mắt khi ra nắng.
Cá ngựa, còn gọi hải mã, họ cá chìa vôi. Cá ngựa tác dụng trị thần kinh và cơ thể suy nhược, đau lưng, nam giới yếu sinh lý, nữ giới lãnh cảm, muộn sinh.
Cá thu: thịt cá thu thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Dầu gan cá có lượng vitamin A, D, acid béo không no, EPA và DHA phong phú; rất tốt với hệ xương khớp, chống viêm nhiễm, giảm strees, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em; trị bỏng, làm sáng mắt, đẹp da và giúp cho phổi hoạt động tốt hơn...
Rong mơ là thực phẩm quen thuộc, giàu iod, có tác dụng tiêu đờm, nhuyễn kiên, tán kết, lợi thủy; trị bướu cổ, tràng nhạc, mụn nhọt.
Đồi mồi còn gọi rùa biển cho vị thuốc đại mạo. Hiện nay, rùa biển được nuôi để lấy thịt và trứng làm thực phẩm, vảy làm đồ mỹ nghệ và làm thuốc. Theo YHCT, đồi mồi có vị ngọt, tính hàn; vào kinh tâm và can, tác dụng thanh nhiệt giải độc; trị bệnh nhiệt đã nhập phần dinh, phần huyết, phần tâm bào, dẫn đến sốt cao, phát cuồng, mê sảng, co giật, hoặc ung nhọt độc, sưng tấy, các nốt đậu hãm đen trên da.
Hải sâm còn gọi đỉa biển. Ở nước ta có tới 4 loài hải sâm chính: hải sâm đen, hải sâm trắng, hải sâm vú, hải sâm mít. Hải sâm rất giàu protein (21,45%), trong đó có đến 18 loại acid amin mà thành phần chủ yếu là acginin và xystin, lipid (0,27%), rất nhiều vitamin B1, B2, PP, E; các nguyên tố vi lượng, Ca, Fe, Zn, Se, I. Hải sâm là thực phẩm quý và bổ; còn là vị thuốc quý để bồi bổ thận dương, tăng cường sinh lực cho nam giới.
Hàu: Thịt hàu thơm ngon, nhiều chất bổ (7% protid, 2% chất béo, 4% glucid, 1% muối khoáng) là món ăn rất được ưa chuộng. Nó còn có tác dụng bổ thận dương. Vỏ hàu (mẫu lệ) giàu canxi cacbonat (80-95%), canxi photphat, canxi sunfat và một số ngyên tố vi lượng như Mg, Al, Fe... Theo Đông y, vỏ hàu tác dụng trấn kinh an thần, bình can, tiềm dương, bổ âm, nhuyễn kiên tán kết (làm mềm các khối rắn); trị can dương thịnh, gây chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, mất ngủ; tác dụng sáp tinh, chỉ hãn; trị di tinh, hoạt tinh, tảo tiết, khí hư bạch đới, đau lưng, tai ù, ra nhiều mồ hôi, mồ hôi trộm, chân tay vô lực; làm mềm các khối rắn bị kết lại thành hòn cục trong cơ thể.
Thịt hàu thơm ngon bổ dưỡng, bổ thận dương. Vỏ hàu (mẫu lệ) là vị thuốc quý trị nhiểu bệnh.
Ô tặc cốt còn gọi hải phiêu tiêu là mai cá mực. Ô tặc cốt chứa nhiều cacbonat canxi, muối magie... Tác dụng trị viêm loét dạ dày, tá tràng thể đa toan; cầm máu đối với đại, tiểu tiện ra máu, chảy máu dạ dày, chống viêm loét dạ dày. Ngoài ra còn có tác dụng bổ thận, cố tinh, nhất là đối với nam giới thận hư, tinh kiệt; nữ giới can huyết khí táo, khó thụ thai.
Rắn biển, còn gọi là đẻn biển; có nhiều loài, như đẻn cơm, đẻn khoanh, đẻn vết... Tác dụng trị đau xương, đau khớp, viêm đa khớp dạng thấp, viêm đau dây thần kinh tọa. Có thể sử dụng dưới dạng ngâm rượu rắn tươi hoặc bột rắn khô; cách chế biến cũng tương tự như đối với các loại rắn khác.
Rong mơ, chứa nhiều muối vô có (10-15%) nhất là muối Iôt (0,3-0,8%). Ngoài ra còn có nhiều protid (4-5%), lipid (1-2%), acid amin... Rong mơ có tác dụng tiêu đờm, nhuyễn kiên, tán kết, lợi thủy. Dùng trị bướu cổ, tràng nhạc, mụn nhọt.
Sao biển, gồm nhiều loài Asterias, chứa các hợp chất steroid, có tác dụng chống viêm, giảm đau. Từ sao biển, người ta chiết được một chất kích thích tính miễn dịch, có tác dụng chống ung thư và các bệnh viêm nhiễm. Sao biển dùng làm thuốc bổ cho những người yếu mệt, mới ốm dậy, phụ nữ sau đẻ, trẻ em chậm lớn, hoặc trị đau xương khớp, đau dây thần kinh ngoại biên; dùng dưới dạng canh thang, thuốc bột (cho vào cháo), thuốc rượu.
Trân châu là hạt ngọc (ngọc Trai). Trân châu được tiết ra từ phần thân mềm của con trai, để bọc lấy dị vật. Trân châu hình cầu, thể chất cứng rắn, óng ánh, nhiều màu sắc. Trân châu rất quý, vừa dùng làm đồ trang sức vừa dùng làm thuốc trấn tĩnh, an thần, trị các sung huyết ở vùng đầu và vùng mặt, buốt đầu đến nỗi không thể ngủ được, viêm niêm mạc miệng. Trân châu mẫu là những hạt sần sùi nổi lên từ phần vỏ cứng của con trai; cũng được dùng làm thuốc như trân châu, song không quý bằng.
Tu hài thuộc loài thân mềm. Thịt tu hài rất bổ và ngon; tác dụng bổ thận dương.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/nhung-vi-thuoc-quy-tu-bien-n181207.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Bài thuốc trị nhiệt miệng từ thảo dược
29/03/2021 - 14:20:18
- Bài thuốc hay từ rong biển
01/03/2021 - 14:39:36
- Bài thuốc hay trị buồn nôn, nôn ói
08/02/2021 - 10:31:37
- Một số phương thuốc hay chữa đàm nhiệt khái thấu
28/12/2020 - 09:46:43
- Chớ bỏ thuốc trị gút giữa chừng
21/12/2020 - 09:52:01
- Thuốc trị đái tháo đường: Cách dùng an toàn và hiệu quả
18/12/2020 - 14:40:14