Lá trầu và những bài thuốc hay
“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, trước đây, ở nước ta, mỗi khi có khách đến chơi nhà, đặc biệt trong những ngày đầu xuân hoặc trong các đám lễ, đám cưới hỏi, người ta thường có phong tục mời trầu.
Khi ăn trầu, không chỉ là lá trầu, còn kèm theo vôi tôi và vỏ rễ của cây chay. Khi nhai chúng, ta sẽ thấy phấn khích, cảm giác nóng bừng, lâng lâng, mặt thêm hồng hào, môi thêm tươi tắn. Lá trầu còn là vị thuốc hay trong Đông y.
Trầu không: còn gọi là trầu cay, trầu lương (Piper betle L.), họ hồ tiêu (Piperaceae).
Lá trầu không chứa tinh dầu (anethol, eugenol, terpenyl acetat, chavibetol, piperbetol, piperol...); nhiều vitamin nhóm B, acid ascorbic, caroten; các acid amin: asparagin, lysin, prolin, histidin...; carbohydrat, đường khử, chất béo; Ca, P...
Lá trầu không là vị thuốc hay trong Đông y.
Tác dụng sinh học của trầu không rất phong phú: ức chế nhiều chủng vi khuẩn như Staphylococcus flavus (tụ cầu vàng), Staphylococcus albus, phế cầu, liên cầu tan máu, phẩy khuẩn tả hoặc các trực khuẩn Bacillus subtilis, B. anthracis; Trực khuẩn lỵ shigella flexneri, Sh. Shiga; trực khuẩn thương hàn Salmonella typhi và một số vi khuẩn khác như Proteus vulgaris, Sarcina lutea. Ngoài ra còn ức chế một số chủng nấm: Candida albicans, Aspergillus niger, A. flavus, A. oryzae...
Ngoài ra, trầu không còn có các tác dụng chống co thắt cơ trơn, ức chế tăng quá mức nhu động ruột, ức chế hệ thần kinh trung ương ở động vật có vú. Cao cồn lá trầu làm giảm trọng lượng tử cung chuột cống, đồng thời ức chế sự thụ thai.
Theo YHCT, trầu không có vị cay nồng, mùi thơm mạnh, tính ấm; quy vào các kinh phế, tỳ, vị. Có công năng trừ phong thấp, trừ hàn, hạ khí, tiêu đàm, tiêu viêm, sát khuẩn. Trị hàn thấp gây nhức mỏi, cảm mạo, đau bụng, đầy hơi, vết thương nhiễm khuẩn, có mủ, đau nhức, hen suyễn, nhiều đờm, khó thở, mụn nhọt, bỏng, hắc lào, mày đay, viêm răng lợi, viêm họng...
Trị trẻ nhỏ đau bụng do lạnh: lá trầu không tươi hơ nóng nhẹ rồi xoa nhẹ quanh rốn nhiều lần. Để tránh cho trẻ bị quá nóng, trước đó cần xoa trên da người lớn để thử mức độ nóng.
Trị trẻ nhỏ bị trớ, nấc: lấy phần chóp lá trầu hoặc cuống lá (khoảng 1cm) đặt xuôi vào huyệt ấn đường (điểm giữa, nối hai đầu lông mày). Đồng thời cũng lấy lá trầu hơ nóng nhẹ rồi xoa từ ức xuống bụng; đến bụng lại xoa nhẹ quanh rốn.
Trị cảm mạo: lá trầu không rửa sạch giã nát, cho vào gạc sạch, chà xát vùng gáy, vào các huyệt: phong phủ (hõm dưới xương chẩm); phong trì (hai hõm sau gáy). Mặt khác, xát mạnh giữa sống lưng từ trên xuống và hai bên thăn lưng từ trong ra ngoài, các lòng bàn tay, chân.
Trị say nắng: tiến hành như trị cảm mạo. Sau đó, cho người bệnh uống nước rau má tươi hoặc nước ép dưa hấu.
Trị vết thương hở hoặc mụn nhọt vỡ loét: lấy khoảng 40g lá trầu tươi cho vào nồi, đổ 400ml nước, đun sôi 15 phút. Gạn lấy nước, để còn hơi ấm, rửa vết thương nhiều lần, thấm khô rồi bôi thuốc. Hoặc thêm 40g lá bạc hà cùng nấu để rửa. Hoặc sau khi sắc nước lá trầu, thêm 6g phèn phi, đánh tan rồi rửa vết thương, thấm khô, bôi thuốc.
Trị mụn nhọt: lá trầu không, lá thồm lồm (còn gọi đuôi tôm (Polygonum chinense L.), hoa dâm bụt đồng lượng, nhiều ít tùy theo số lượng và kích cỡ mụn. Tất cả rửa sạch giã nát rồi đắp, bó vào nơi bị bệnh.
Trị viêm họng, hôi miệng: lá trầu không tươi sắc như trên, hàng ngày súc họng nhiều lần.
Trị viêm lợi, viêm chân răng: lá trầu không tươi sắc như trên. Hàng ngày ngậm, súc miệng, nhổ nhiều lần. Hoặc nấu thành cao đặc rồi bôi vào răng lợi vài lần trong ngày.
Trị bong gân sai khớp, đau đớn: lá trầu tươi, lá xạ can (rẻ quạt) tươi, lá cúc tần tươi mỗi thứ 16g, nghệ già 24g. Các lá cắt nhỏ, nghệ thái lát. Tất cả giã nát, thêm 20ml giấm ăn, trộn đều rồi đắp, bó vào chỗ bị bệnh. Ngày thay 1 lần.
Trầu rừng (Piper chaudocanum C.DC.) cùng họ hồ tiêu (Piperaceae):
Trầu rừng cũng là loại dây leo như trầu không. Lá thuôn, gốc lá hơi lệch, gân rẽ từ gốc lá. Cây có hoa khác gốc, bông đực dài tới 6cm, bông cái dài khoảng 13cm. Quả gần tròn. Trầu rừng thường mọc hoang ở các vùng núi thấp có độ cao khoảng 1.000m như Kon Tum, Đồng Nai, An Giang... Bộ phận dùng là dây và lá. Khi mới chặt, dây, lá trầu rừng có màu trắng, sau chuyển màu vàng.
Theo YHCT, trầu rừng có vị cay, hơi the, đắng, tính ấm. Tác dụng trừ phong thấp, thư cân hoạt lạc. Trong dân gian, dùng trầu rừng trị nóng gan, đau mình mẩy, cảm mạo phong hàn, trẻ em kinh phong. Ngoài ra, còn dùng giải các loại thuốc độc.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Tin nổi bật
- Bài thuốc trị nhiệt miệng từ thảo dược
29/03/2021 - 14:20:18
- Bài thuốc hay từ rong biển
01/03/2021 - 14:39:36
- Bài thuốc hay trị buồn nôn, nôn ói
08/02/2021 - 10:31:37
- Một số phương thuốc hay chữa đàm nhiệt khái thấu
28/12/2020 - 09:46:43
- Chớ bỏ thuốc trị gút giữa chừng
21/12/2020 - 09:52:01
- Thuốc trị đái tháo đường: Cách dùng an toàn và hiệu quả
18/12/2020 - 14:40:14