Bác sĩ gửi 'tâm thư' trước Tết: Nuôi con, xin hãy ngừng sống trong sợ hãi!
Bác sĩ Huyên Thảo: Các bạn đang tốn công và tốn tiền vô ích, vì không có một phương thức nào có thể tăng miễn dịch, phòng ngừa bệnh nhanh chóng như bạn mong muốn.
Bác sĩ Huyên Thảo và các con
Bs Trần Thị Huyên Thảo tốt nghiệp y khoa tại trường đại học Monash, Melbourne, Úc, qua chương trình học bổng toàn phần AusAid của chính phủ Úc.
Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ Huyên Thảo về làm việc tại Việt Nam và có nhiều năm kinh nghiệm về Nhi Khoa. Bs Huyên Thảo hiện đang giữ vị trí Trưởng khoa Nhi, phòng khám CarePlus.
Chị cũng từng xuất bản hai quyển sách chăm sóc trẻ: "Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng!" dành cho lứa tuổi 0-6 tháng, và "Bước đệm vững chắc vào đời" dành cho trẻ từ 0-6 tháng.
Nhân dịp trước Tết Nguyên đán, chị có bài viết tiêu đề "Tâm thư trước Tết gửi các ba mẹ, ông bà". Gia Đình Mới xin đăng tải lại bức tâm thư này:
"Tết đến rồi, mình không có gì quí giá tặng các bạn, ngoài những thông tin mà mình nghĩ là có thể có ích cho các bạn!
Điều thứ nhất, mong mọi người nghi nhớ, là trẻ sau 6 tháng tuổi, sẽ bắt đầu bị bệnh thường xuyên, do miễn dịch từ mẹ qua con đã giảm hẳn, con phải tự tiếp xúc với môi trường, tự tạo miễn dịch cho mình.
6- 12 tháng tuổi là những cơn bệnh “dạo đầu”, gần 12 tháng tuổi trở đi đến ít nhất 2- 2.5 tuổi, là giai đoạn bé bị bệnh nhiều nhất và thường xuyên nhất.
Trung bình một trẻ khỏe mạnh sau 1 tuổi bị khoảng 12 đợt bệnh đường hô hấp, và chưa kể những bệnh về các hệ thống khác.
Khi trẻ đi học, trẻ sẽ bị bệnh nhiều hơn vì được thả vào môi trường tương tác giao lưu bệnh cao hơn, ít nhất là trong 3 tháng đầu đi học.
Từ 2.5-3 tuổi trở đi, hệ miễn dịch của bé quen mặt bệnh hơn, nên tần suất bệnh sẽ ít dần đi. Vì vậy cho nên, khi đi khám bệnh, ở phòng khám, hay bệnh viện, các bạn để ý sẽ thấy ít bé trên 3 tuổi đi khám bệnh là vì vậy!
Vì vậy, việc mong con không bệnh là một mong muốn chính đáng, nhưng không thực tế! Chúng ta nhớ thực tế nha!
Bệnh suy giảm miễn dịch ở trẻ em, là có, nhưng là bệnh lý rất hiếm gặp. Nhưng ở Việt Nam, hở ra là 10 người có 9.9 người than con cháu mình bị miễn dịch yếu khi bị ho sổ mũi, sốt cao, cảm cúm... Điều này là một lầm tưởng tai hại.
Vì khi các bạn dán mác “miễn dịch yếu”, các bạn lại lo chạy đôn chạy đáo đi mua thuốc bổ, thuốc tăng đề kháng, thuốc thần kì chống bệnh, thậm chí cũng mua xông tinh dầu đồ để mà tránh bệnh cho con. Có người đè con ra rửa mũi mỗi ngày 2-3 lần, uống mật ong ngày 3 buổi, uống chưng tắc xả đồ… để phòng ngừa con đừng bệnh!
Thật sự là, các bạn đang tốn công và tốn tiền vô ích, vì không có một phương thức nào có thể tăng miễn dịch, phòng ngừa bệnh nhanh chóng như bạn mong muốn, nếu có đã đưa vào khuyến cáo y khoa để sử dụng thường qui rồi!
Các bạn nhớ cho, một chế độ dinh dưỡng cân bằng, đa dạng, kèm hoạt động vận động, thể thao tốt, chích ngừa đầy đủ, và vệ sinh cơ bản tốt là đủ rồi! Y khoa không cần tạo ra việc để làm thêm, dân số ngày càng đông, ngày càng sống lâu, nên gánh nặng y khoa ngày càng lớn và mệt mỏi.
Nếu có gì thật sự giảm thiểu được số bệnh, là sẽ có khuyến cáo thôi! Khi con trẻ càng lớn lên, con sẽ càng ít bị bệnh lây nhiễm, đơn giản vậy thôi!
Sữa mẹ tốt, nhưng không có sữa mẹ uống sữa công thức cũng tốt! Có những em bé, mẹ không có nhiều sữa, vì được cho thông tin là mẹ nào cũng có đủ sữa cho con, con càng bú càng có nhiều sữa, mà người mẹ, và cả gia đình cắm cuối cho con ti con bú, đến 3-4 tháng tuổi thấy rõ có bất thường, con da bọc xương, cả ngày quấy khóc mới mang đến cho tôi, nhìn rất thảm thương.
Có những em bé bị vàng da sớm, ba mẹ vì mong muốn cho con bú mẹ hoàn toàn, da kề da thường xuyên ngay từ đầu, từ chối cho em chiếu đèn mặc dù có chỉ định của bác sĩ, vì nghĩ cho bú nhiều sẽ giảm vàng da, có ca còn kiên quyết kí cho về, mặc cho lời khuyên của bác sĩ. Kết quả là sau đó bé bị vàng da nặng, vàng da nhân, phải nhập viện cấp cứu vài ngày sau. Rất là nguy hiểm.
Có người sữa ít, kích sữa không lên được, căng thẳng, trầm cảm, con khóc mẹ khóc, thật sự không đáng có chút nào. Có người cho con bú sữa công thức mà bị cả gia đình mắng nhiếc, chồng trách, bà nội bà ngoại chê cười. Chẳng khác nào bị chuốc độc tinh thần mỗi ngày, suy sụp.
Con cái ra đời là để cho mình vui vẻ, đừng tự tạo thêm vấn đề cho con và bản thân vì những thứ cực đoan. Tôi đã và đang gặp những trường hợp như thế, tôi không trách gia đình, nhưng tôi mong sẽ giúp những gia đình khác tránh được những tình huống éo le này trong tương lai nhé!
Ý cuối muốn nói, đó là, thuốc ho không có tác dụng điều trị bệnh, có thể giúp giảm được cơn ho khi bé bệnh, có thể không giúp giảm ho được, và lại có thể làm bé ho nặng hơn khi dùng không phù hợp.
Việc cho bé uống thuốc ho, chỉ có tác dụng về mặt tâm lý cho người lớn, và có thể giúp hỗ trợ triệu chứng ho một ít nếu có, hoàn toàn không ảnh hưởng gì được đến bệnh gây ho. Ho không gây viêm phổi, mà là bệnh có diễn tiến thành viêm phổi hay không mà thôi. Tỉ lệ này thật sự không nhiều.
Ngày nào nghe con ho cũng nơm nớp sợ con viêm phổi, chẳng phải giống như ngày nào ra đường cũng sợ bị xe đụng chết! Nên đừng cố dấm dúi cho con cháu uống thuốc ho ngày này qua tháng nọ, đừng cố thử phối hợp 1-2-3-4 loại thuốc ho cùng một lúc. Bạn làm như vậy, thật sự chỉ huyễn hoặc bản thân mình!
Mong Tết an yên. Mong năm sau ba mẹ ông bà tâm lý an lạc, biết đón nhận thực tế, giữ không cực đoan, và ngừng sống trong sợ hãi!
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39