Từ bác sĩ ngoại khoa thành lương y “thiện tâm”
Khách đi ngược, về xuôi, mỗi lần qua cầu Đôi, thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh), tuyến đường quốc lộ 8A đều có thể nhìn thấy dưới tán hai cây xà cừ cổ thụ đứng song song là một ngôi nhà ngói đơn sơ, với tấm biển sơn xanh phía trước: “Đông y bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Giao”.
Lương y Võ Giao bốc thuốc cho người bệnh.
Ông Võ Giao năm nay đã bước vào “tuổi thất thập” nhưng sớm chiều vẫn thầm lặng bốc từng vị thuốc cho khách hàng gần xa. Điều làm nhiều người ngạc nhiên, bởi thời còn trẻ ông là bác sĩ chuyên khoa ngoại, trong đó từng 11 năm làm giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Hương Sơn. Bằng bàn tay phẫu thuật lành nghề, bác sĩ Võ Giao đã cứu được nhiều người bệnh, từ các ca mổ đơn giản như cắt ruột thừa, tắc ruột đến những ca phức tạp hơn như mổ cắt dạ dày... Một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời cầm dao kéo, đấy là lần bác sĩ Võ Giao trực tiếp tham gia mổ cho bệnh nhân Nguyễn Thị Cương (13 tuổi, quê ở xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn) bị đa chấn thương. Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch, huyết áp đã tụt về 0. Sau khi đưa vào phòng mổ, phát hiện thấy nguy hiểm, nhất là phần gan và phần ruột đều bị tổn thương rất nặng, bác sĩ Võ Giao và kíp mổ đã bình tĩnh cắt đi những đoạn ruột bị giập nát, đồng thời khâu lại phần gan bị tổn thương. Chẳng thể ngờ, sau hơn mười ngày, bệnh nhi khỏi và được xuất viện. Một trường hợp khác là anh Nguyễn Nga (43 tuổi, quê ở xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn) bị xuất huyết dạ dày rất nặng, vào cấp cứu trong tình trạng nguy cấp, phương án duy nhất cứu người mà bác sĩ Võ Giao mạnh dạn thực hiện là cắt bỏ hai phần ba dạ dày. Quyết định táo bạo ấy một lần nữa đã mang lại niềm hạnh phúc cho người bệnh.
Ông Võ Giao thật sự là một người đam mê nghề nghiệp, luôn luôn mở lòng nhân đức để cứu người, với tấm lòng thanh bạch và cao thượng. Có lẽ trong những năm tháng gian khổ nhất ở huyện trung du Hương Sơn, người bác sĩ này chưa bao giờ biết quà biếu của người bệnh là gì. Thậm chí những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông còn dành tiền lương mua thuốc điều trị, mua đường sữa bồi dưỡng sức khỏe. Chính vì thế, người dân Hương Sơn khi nhắc đến bác sĩ Võ Giao là nhắc đến một nhân cách sống đúng nghĩa “lương y như từ mẫu”.
Chính những ngày sống và làm việc trên đất Hương Sơn, bác sĩ Võ Giao không chỉ học tập, trau dồi kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại khoa, ông còn sắp xếp thời gian đọc tài liệu, nghiên cứu để hiểu biết thêm về y học cổ truyền. Nhiều pho sách cổ của các bậc danh y lớn như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông… được ông sưu tầm, nghiên cứu kỹ. Ông còn ra Hà Nội, lên tận Cao Bằng, Lạng Sơn để sưu tầm thêm những cuốn sách quý, bài thuốc hay.
Về hưu, với kiến thức sau nhiều năm nghiên cứu học tập, ông Võ Giao xin và được Sở Y tế Hà Tĩnh cấp giấy phép hành nghề trong lĩnh vực đông y. Đã có hàng nghìn lượt khách, đủ các tầng lớp, đủ các lứa tuổi ở mọi miền quê trong tỉnh và các tỉnh lân cận đến nhà ông khám bệnh, bốc thuốc. Ông Võ Giao chia sẻ: “Sở dĩ tôi muốn đeo đuổi nghề lương y đến trọn đời, bởi tôi lấy phục vụ người bệnh làm niềm vui. Khi họ lành bệnh, tôi cảm thấy hạnh phúc của họ như hạnh phúc của chính mình”. Thế cho nên nhiều người có cảnh ngộ đặc biệt, được ông bốc thuốc nhưng không lấy tiền. Trong cuốn sổ theo dõi khám và điều trị cho người bệnh, đã có tới hàng trăm bệnh nhân mắc các chứng bệnh như: Thoái hóa xương khớp, viêm dạ dày, đau đầu chóng mặt, bệnh trứng cá, dị ứng ngứa, sỏi thận, viêm gan, ho kéo dài do viêm họng, a-mi-đan, cảm cúm, cảm hàn... khi lấy đơn thuốc của ông Võ Giao kê đơn và sử dụng thuốc đúng quy trình hướng dẫn, nhiều người đã lành bệnh.
Bài và ảnh: Phan Thế Cải
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39