Trị chứng tè dầm ban đêm ở trẻ
Phần đa trẻ bị tè dầm về đêm không phải là vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe nhưng lại gây bất tiện cho trẻ và ba mẹ, đặc biệt làm trẻ mất tự tin, ảnh hưởng tâm lý. Đa số là đơn thuần nhưng cũng có trường hợp phức tạp cần phát hiện và điều trị.
Trẻ có thể được coi bị tè dầm khi không tự chủ được việc đi tiểu vào ban đêm, trẻ đi tiểu làm ướt giường về đêm từ 2 lần/tuần kéo dài vài tháng khi đã được trên 5 tuổi.
Tỷ lệ trẻ nam tè dầm có thể gấp 2-3 lần nữ, cứ 100 trẻ có khoảng 20 trẻ tè dầm khi 5 tuổi, còn 10 trẻ khi lên 7 tuổi và có thể có 1-3 trẻ vẫn tè dầm ở độ tuổi thiếu niên.
Tè dầm phần lớn là đơn thuần, tự ổn định, một số nhỏ phức tạp hơn khi có các bệnh lý khác kèm theo hoặc bị rối loạn chức năng bàng quang, rối loạn chức năng ruột bàng quang.
Nguyên nhân gây tè dầm ban đêm ở trẻ
Đa số các trường hợp tè dầm ở trẻ không có các bệnh lý tiềm ẩn, gọi là tè dầm đơn thuần do các nguyên nhân cơ bản sau đây: Do bàng quang của trẻ phát triển chậm hơn hoặc có thể tích nhỏ hơn so với trẻ khác; Do di truyền: Nếu cả bố và mẹ lúc còn nhỏ bị tè dầm, khoảng 70% con sẽ bị, và chỉ 40% số trẻ mắc nếu có bố hoặc mẹ bị tè dầm khi còn nhỏ; Có nồng độ một loại hormon làm giảm sản xuất nước tiểu thấp hơn; Giấc ngủ sâu làm trẻ không ý thức được bàng quang đang nhiều nước tiểu (nguyên nhân này còn đang tranh cãi); Các vấn đề thể chất và tâm lý ít khi gây tè dầm.
Đừng trách mắng hay phạt khi trẻ tè dầm.
Một số trường hợp trẻ tè dầm do các vấn đề về sức khỏe như: nhiễm trùng đường tiểu, đái tháo đường, nhiễm giun kim, táo bón, ngưng thở khi ngủ, bệnh thận, bệnh lý thần kinh, đang dùng một số thuốc hoặc các rối loạn chức năng bàng quang khác...
Điều trị tè dầm đơn thuần
Trong trường hợp trẻ tè dầm đơn thuần, cần kiên nhẫn hướng dẫn, giáo dục trẻ. Cha mẹ, người chăm sóc cần nhớ rằng: Đái dầm là phổ biến ở trẻ em; Đái dầm tự hết ở hầu hết các bé; Đái dầm không phải là lỗi của bé, vì vậy, không nên la mắng hoặc phạt bé do đái dầm mà thay vì đó, bố mẹ có thể an ủi, động viên bé; Không trêu chọc hoặc khuyên anh chị em, bạn bè không được trêu chọc trẻ khiến trẻ tự ti; Ngừng sử dụng tã bỉm, quần tập hoặc quần pull khi đi ngủ vì những thứ này có thể khiến trẻ tè dầm, đặc biệt là nếu trẻ lớn hơn 8 tuổi.
Sử dụng biểu đồ tè dầm để dễ dàng giáo dục và cho trẻ nhận thấy sự khen ngợi của bố mẹ khi trẻ có 1 đêm không tè dầm.
Những việc nên làm trước khi ngủ: Khuyến khích bé đi tiểu thường xuyên trong ngày và ngay trước khi đi ngủ (khoảng 4-7 lần/ngày). Nếu bé thức dậy vào ban đêm, hãy đưa bé đi vệ sinh; Tránh đồ uống, thức ăn có đường và caffeine vào buổi tối; Khuyến khích trẻ sử dụng lượng chất lỏng hàng ngày vào buổi sáng và chiều, ít hơn vào buổi tối (khoảng 40% buổi sáng, chiều 40% và chỉ ít hơn 20% buổi tối)
Nhắc trẻ đi tiểu mỗi tối trước khi ngủ và mỗi khi thức giấc.
Trong và sau khi ngủ: Giúp bé đi ra nhà vệ sinh dễ dàng bằng cách sử dụng đèn ngủ trong phòng tắm và hành lang, ba mẹ cũng có thể cân nhắc sử dụng bô trong phòng khi nhà vệ sinh quá xa; Dùng tấm chống thấm nước để tránh bị ướt giường và mùi nước tiểu; Nếu bé bị tè dầm vào đêm bị thức giấc, động viên trẻ đi tiểu hết trước khi thay đồ, nhanh chóng thấm khô giường bằng khăn khô hoặc thay tấm lót chống thấm tránh làm gián đoạn giấc ngủ lâu khi phải sửa sang lại giường; Khuyến khích trẻ giúp dọn dẹp giường buổi sáng; Vệ sinh giường và không quên giúp trẻ tắm, vệ sinh tránh mùi nước tiểu.
Với trẻ nhỏ có thể sử dụng bô trong nhà nếu nhà vệ sinh quá xa phòng ngủ của trẻ.
Bổ sung liệu pháp tích cực: Khi trẻ đã được 7 tuổi, khi đã hướng dẫn đúng cách 3-6 tháng trẻ vẫn tè dầm, có thể kết hợp thêm một số biện pháp như: Tiếp tục tạo động lực cho trẻ bằng những phần thưởng khi trẻ có 1 đêm hoặc dài hơn không tè dầm; Cho trẻ tập thức tỉnh hoặc đánh thức trẻ dậy với tác động tối thiểu ít nhất 1 lần trong đêm và để trẻ tự chủ động đi tiểu và trở lại giường ngủ; Đặt đồng hồ báo thức, đánh thức trẻ trước thời điểm khả năng lớn trẻ bị tè dầm.
Thuốc: Do bác sĩ chỉ định, chỉ nên sử dụng sau 3-6 tháng với các liệu pháp tích cực trên mà trẻ chưa cải thiện được tình hình.
Một số biện pháp khác: như châm cứu, điều trị chỉnh hình và thôi miên có được đề cập, tuy nhiên, chưa có chứng cứ khoa học ủng hộ.
Lời khuyên của thầy thuốc
Tè dầm ban đêm là khá phổ biến cho đến khi trẻ được 5-7 tuổi, phần lớn trẻ tự hết với các biện pháp hướng dẫn, giáo dục thông thường. Với đa số trẻ, động viên, giáo dục và một số liệu pháp tập luyện tích cực có thể đã giúp cải thiện được tè dầm. Tuy không phải là vấn đề y tế nghiêm trọng nhưng tè dầm có thể gây bất tiện cho gia đình và làm trẻ mất tự tin, ảnh hưởng phát triển tâm lý, phụ huynh cần kiên nhẫn để hướng dẫn trẻ, tuyệt đối không trêu chọc trẻ hoặc trừng phạt càng làm trẻ lo lắng. Dù vậy, một số nhỏ vẫn có các vấn đề y tế phức tạp, do đó, trước khi can thiệp, tất cả các trẻ tè dầm cần được khám bác sĩ để được tư vấn, điều trị phù hợp nhất.
BS. Trần Đồng - BS. Kim Ngân (BV. Sản Nhi Vĩnh Phúc)
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/tri-chung-te-dam-ban-dem-o-tre-n176553.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39