Những lưu ý cho người bệnh suy tim
Ở Việt Nam, dù chưa có nghiên cứu chính thức về tỷ lệ mắc bệnh suy tim, song ước tính đến nay khoảng 1,6 triệu người bị suy tim. Tuy nhiên, với những tiến bộ vượt bậc của y học, bệnh nhân suy tim ngày càng có tuổi thọ kéo dài hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Có 4 mức độ suy tim:
Độ I: Không hạn chế vận động của bệnh nhân. Vận động thể lực thông thường không gây mệt, khó thở hay hồi hộp.
Độ II: Hạn chế nhẹ vận động thể lực của bệnh nhân. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, vận động thể lực thông thường dẫn đến mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực.
Độ III: Hạn chế nhiều vận động thể lực của bệnh nhân. Mặc dù bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi nhưng chỉ cần vận động nhẹ đã có triệu chứng cơ năng.
Độ IV: Không thể thực hiện bất cứ vận động thể lực nào mà không thấy khó chịu. Triệu chứng cơ năng của suy tim xảy ra ngay khi nghỉ ngơi, chỉ một vận động thể lực nhẹ cũng làm triệu chứng cơ năng gia tăng.
Đối với bệnh nhân suy tim thì dinh dưỡng có sự ảnh hưởng vô cùng to lớn, đó là suy mòn trong suy tim: là tình trạng sụt cân hơn 6% trọng lượng cơ thể trước đó trong vòng 6 tháng (dựa vào cân nặng lúc không phù). Suy mòn trong suy tim chiếm tỷ lệ 10-16%. Suy mòn trong suy tim ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm bệnh nhân dễ mệt mỏi, chán ăn, suy dinh dưỡng, hậu quả tăng tỷ lệ tử vong. Tình trạng suy dinh dưỡng ở bệnh nhân suy tim có thể đảo ngược nếu được theo dõi và đánh giá tình trạng dinh dưỡng chặt chẽ, để phát hiện sớm suy dinh dưỡng và có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Suy tim là tình trạng tim không bơm đủ máu cho nhu cầu của cơ thể, thường là do cơ tim bị tổn thương.
Đối với chế độ ăn
Cần ăn đủ dinh dưỡng và vitamin. Ngưng thuốc lá và các thực phẩm chứa cồn như rượu, bia.
Hạn chế muối, nhất là suy tim nặng, thường giới hạn dưới 2g muối mỗi ngày. Do đó, bệnh nhân suy tim cần tránh thực phẩm đã chế biến, thực phẩm đóng hộp hoặc thức ăn nhanh. Tập thói quen đọc hàm lượng natri (sodium) ghi trong thành phần của thực phẩm đóng sẵn.
Lượng nước uống tính theo nhu cầu của bệnh nhân và mức độ suy tim. Tránh truyền dịch nếu không có chỉ định của nhân viên y tế. Nếu bệnh nhân phù nhiều thì cần hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể và ăn nhạt hoàn toàn. Chế biến món ăn dưới dạng mềm, nhừ. Không nên ăn các loại thức ăn lên men như: cải bắp, rau cải, đậu đỗ, dưa muối. Bữa ăn phải xa giờ ngủ ban đêm, sau khi ăn cần nghỉ ngơi 30-40 phút.
Đối với bệnh nhân suy tim có sử dụng thuốc chống đông, hạn chế ăn các loại rau quả có lá màu xanh đậm màu như: cải bó xôi, bông cải xanh, đậu Hà Lan, đậu xanh, củ cải, mùi tây, rau diếp...
Đối với hoạt động thể lực
Thực tế cho thấy lợi ích hoạt động thể lực là kiểm soát cân nặng. Ổn định huyết áp và nhịp tim. Ổn định đường huyết và mỡ máu. Giúp thư giãn và cải thiện sức khỏe. Đặt ra mục tiêu tập luyện vừa phải, không quá sức. Khi mới tập, cần tập nhẹ, tăng dần cường độ.
Tránh những hoạt động nặng như chạy bộ, nâng tạ, tránh những bài tập làm căng, duỗi, co cơ liên tục. Nếu ngưng tập một vài ngày (do bị cảm, bận công việc, thời tiết xấu...), khi tập lại cần tập nhẹ hơn mức bình thường, tăng dần cường độ về bằng mức trước đó vào những buổi tập sau. Tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá nóng, quá lạnh, ẩm ướt: độ ẩm cao làm mau mệt, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây khó thở, đau ngực.
Bệnh nhân nhớ uống đủ nước. Nên uống nước ngay cả khi không khát, đặc biệt trong những ngày nóng. Nếu cảm thấy mệt mỏi ngay sau khi tập hoặc ngày hôm sau thì cần giảm bớt cường độ tập luyện. Nếu cảm thấy có những triệu chứng như đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, nôn ói... hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường nào, cần ngưng tập. Nếu triệu chứng không giảm, cần đến bác sĩ kiểm tra.
Bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rất nhiều loại thuốc điều trị suy tim không chỉ cải thiện triệu chứng mà có thể giúp kéo dài đời sống và giảm tỷ lệ tử vong. Điều quan trọng là sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Suy tim là bệnh lý mạn tính, do đó điều trị thuốc mỗi ngày là cần thiết, ngay cả khi bệnh nhân cảm thấy khỏe, không có triệu chứng. Không bao giờ được dừng thuốc, tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều hoặc uống bất kỳ loại thuốc nào khác mà không thông qua ý kiến của bác sĩ điều trị.
BS. Lê Thị Lan
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39