Những bệnh lý thường gặp khi sống chung với lũ và cách phòng tránh
Bác sĩ Nguyễn Văn Thủy (bác sĩ đa khoa một phòng khám tại Hà Nội) cho biết, khi sống chung với lũ người dân có thể dễ gặp phải những bệnh lý dưới đây.
Nửa tháng sống chung với trận lũ lịch sử, người dân huyện Chương Mỹ chẳng còn buồn ca thán mỗi khi có mưa to. Với họ, những ngày này thời gian trôi qua thật dài. Chưa kể, tại một số xã người dân đã xuất hiện tình trạng viêm da, mắc bệnh hắc lào...
Trước thông tin này, không ít người dân tỏ ra lo lắng, đồng thời không biết phải làm sao để phòng chống bệnh trong mùa mưa lũ.
Từ những lo lắng trên, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Thủy (bác sĩ đa khoa một phòng khám tại Hà Nội). Bác sĩ Thủy cho biết: “Trong mùa mưa lũ, có hai bệnh lý thường gặp đó là bệnh lý về da liễu và bệnh lý về đường tiêu hóa”.
Người dân Chương Mỹ những ngày qua phải sống chung với lũ.
Theo bác sĩ Thủy, bệnh lý về mặt da liễu dễ nhận thấy khi sống chung với nước lũ đó là: “Bệnh lý về da liễu hay gặp như mụn nhọt, nước ăn chân đặc biệt ăn sâu vào kẽ chân rát đỏ, lên mụn nước. Biểu hiện của các bệnh lý về da liễu này đều là rất ngứa, khó chịu.
Ngoài ra, người dân còn dễ bị mắc bệnh hắc lào, nguyên nhân gây bệnh là do ẩm thấp, thường xuyên sống trong không gian chật hẹp, nước ẩm lâu ngày.
Bệnh hắc lào có biểu hiện rõ ràng là một vùng da trên cơ thể như: Bẹn, háng, nách hoặc tay chân có dấu hiệu ngứa, mẩn đỏ xuất hiện thành hình dạng tròn như đồng xu hoặc hình vòng cung. Cùng với đó, trên bề mặt vùng da bị tổn thương, xuất hiện nhiều mụn nước mọc xung quanh rìa nhỏ li ti. Ngứa dữ dội và khó chịu, bệnh này kết hợp bôi thuốc mất khoảng 3-4 tuần”.
Sống chung với lũ nhiều ngày, một vài người dân bị bệnh lý liên quan đến tay chân (Ảnh: Trí Thức Trẻ).
Bác sĩ Thủy cho biết, đối với các bệnh lý về da, việc điều trị không khó. Tuy nhiên, cần phải kết hợp bôi thuốc và môi trường ở phải đảm bảo khô ráo.
Chia sẻ thêm bệnh lý về đường tiêu hóa, bác sĩ Thủy chia sẻ: “Bệnh lý về đường tiêu hóa thường thấy là tả, lị, tiêu chảy, nhiễm trùng nhiễm độc ăn uống... Nguyên nhân là do nước bẩn, chỉ cần một người bị là nhiều người cũng sẽ bị. Thậm chí, có bệnh nhân phải cách ly”.
Để phòng chống bệnh lý về đường tiêu hóa, bác sĩ Thủy cho hay: “Người dân sống trong lũ cũng cần thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Dùng nước cần dùng nước sạch, còn khử trùng nước cần dùng Cloramin B, hoặc nước phèn chua. Trước tình hình mưa lũ, ngập lụt người dân chỉ còn cách di chuyển lên vùng khô ráo. Còn nếu cứ tiếp tục sống chung với nước lũ thì bệnh sẽ càng lâu khỏi”.
Thanh Lam (nguoiduatin.vn)
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39