Nghẹt mũi, nên dùng thuốc uống hay thuốc xịt?
Tôi thỉnh thoảng bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, khó thở. Để hết triệu chứng này, tôi thường dùng thuốc nhỏ mũi.
Tuy nhiên, tôi thấy có cả loại uống. Xin hỏi giữa hai loại, nhỏ mũi và uống loại nào tác dụng tốt hơn?
Trần Thùy Giang (Bắc Ninh)
Bạn Giang thân mến! Hiện nay, các thuốc điều trị nghẹt mũi trên thị trường chủ yếu là các thuốc cường giao cảm dùng dưới dạng nhỏ mũi, xịt mũi như ephedrin, naphazolin, oxymetazolin, xylometazolin hoặc dùng dưới dạng uống như phenylpropanolamin và pseudo-ephedrin. Với cơ chế kích thích thụ thể alpha adrenergic ở niêm mạc mũi, thuốc làm co mạch do vậy giảm phù nề, giảm thoát dịch, tăng thông khí ở mũi, giảm nghẹt mũi, giảm sung huyết mũi.
Ở dạng uống (thuốc toàn thân), thuốc được hấp thu vào hệ thống tuần hoàn, sau đó được phân bố khắp cơ thể. Chỉ khi thuốc được phân bố đến niêm mạc mũi, thuốc mới có tác dụng. Vì thế, thời gian khởi phát tác dụng của thuốc dạng uống thường chậm hơn, lượng thuốc sử dụng thường cao hơn, nguy cơ tác dụng không mong muốn thường nhiều hơn dạng tại chỗ.
Ở dạng nhỏ mũi, xịt mũi (thuốc tại chỗ), thuốc được hấp thu hạn chế, nguy cơ tác dụng không mong muốn của dạng này thường thấp hơn so với dạng uống. Thuốc được tiếp xúc với đích tác dụng nhanh hơn, lượng thuốc sử dụng ít hơn. Tuy nhiên, vẫn có một phần thuốc bị nuốt qua miệng và được hấp thu toàn thân. Dạng nhỏ mũi có lượng thuốc bị nuốt nhiều hơn so với dạng xịt mũi. Đây cũng là lý do mà phần lớn các chế phẩm điều trị nghẹt mũi, chảy nước mũi hiện nay thường được bào chế dưới dạng xịt mũi.
Tuy nhiên, nếu dùng bừa bãi thuốc có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng như nhức đầu, hồi hộp, kích động, lo lắng, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, tăng nhãn áp, tăng đường huyết, rối loạn lipid máu... Thuốc chống chỉ định cho trẻ dưới 6 tuổi, bệnh nhân tim mạch, tăng huyết áp, bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, bí tiểu, bệnh glaucoma.
Do vậy, nếu phải sử dụng nên chọn các thuốc dạng tại chỗ để hạn chế lượng thuốc hấp thu toàn thân, nên chọn các thuốc có tính chọn lọc trên thụ thể α1 để hạn chế nguy cơ tác dụng không mong muốn. Lưu ý, không nên sử dụng thuốc quá 3 ngày, vì có nguy cơ quen thuốc và hiện tượng sung huyết hồi ứng, viêm mũi do thuốc sau khi ngừng thuốc.
ThS. Nguyễn Hằng
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39