Làm gì khi bị bong gân?
Nguyên nhân gây bong gân
Bong gân là sự tổn thương của bao khớp, phổ biến là các dây chằng, thường xảy ra sau một tác động quá mạnh như: bị trượt chân khi chạy hay đi, do ngã, tai nạn, lao động nặng... Những khớp xương thường bị chấn thương bong gân là mắt cá chân, đầu gối, cổ tay, vai... Bệnh nhân không bị sai khớp hay gãy xương. Tổn thương cũng thường xảy ra ở những người chơi thể thao, phụ nữ đi giày cao gót...
Những dấu hiệu điển hình
Các biểu hiện của bong gân rất giống với gãy xương. Triệu chứng có thể là đau, tăng lên khi đi lại, lúc sau thì sưng và bầm tím. Khi bị bong gân, người bệnh cảm thấy đau nhói như điện giật ở vùng khớp bị trẹo, sau đó, khớp tê dại không còn đau nữa... Khoảng 1 giờ sau, cảm giác đau nhức dần dần trở lại. Nếu nhẹ nhàng lật khớp lại giống như lúc bị chấn thương, người bệnh sẽ thấy đau nhói như điện giật, sưng xung quanh khớp, da vùng khớp tái nhợt do chảy máu trong và biến loạn vận mạch. Nếu bong gân ở bàn chân, mắt cá chân, bệnh nhân sẽ không bước đi được nữa, phải đặt bàn chân nằm xuống đất.
Thông thường trong hầu hết các trường hợp phải chụp X quang mới phát hiện và phân biệt được tình trạng bong gân hay gãy xương.
Cần phải làm gì?
Ngay sau khi bị bong gân, phải làm ngừng chảy máu và hạn chế phù nề tối đa. Có thể dùng băng thun băng ép khớp bị bong gân giúp khớp có chỗ tựa và giữ cố định cho khớp. Trong trường hợp nặng, cần đặt nẹp bột bất động khớp trong tư thế cơ năng.
Nên chườm lạnh bên ngoài bằng nước đá (hoặc nước lạnh) trong 4 giờ đầu. Việc chườm đá làm dịu đau và co mạch, ngưng chảy máu, bớt phù nề. Và sau ngày thứ 2, nên ngâm chỗ bị bong gân trong nước ấm từ 3-4 lần trong ngày.
Kê cao đầu chi bị bong gân lên cao khi nghỉ ngơi và nằm ngủ. Nếu được, nên tập cử động nhẹ nhàng để máu được lưu thông. Nếu bị bong gân do chơi thể thao, có thể dùng ethyl clorua xịt vào nơi bong gân để gây tê làm lạnh tại chỗ giúp giảm đau cho người bệnh
Còn đối với những trường hợp bong gân nặng: không cử động được khớp, dây chằng khớp bị đứt hoàn toàn hoặc bị bong điểm bám làm cho khớp lỏng lẻo kéo theo nhiều biến chứng, bị sốt hoặc không đỡ sau 2 ngày, cần đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời tránh những biến chứng có thể xảy ra, tuyệt đối không được tự ý chữa trị.
Không nên băng quá chặt vì có thể gây đau nhức
Sai lầm khi xử lý bong gân
Quan niệm của người bệnh thường rất chủ quan khi bị bong gân, cho rằng bong gân không quan trọng, vì thế dẫn đến sai lầm do tự điều trị.
Dùng rượu, xoa cao vào nơi bị tổn thương, đây là sai lầm nghiêm trọng vì tổn thương dây chằng nghiêm cấm dùng các chất nóng tác động tại chỗ do những chất này gây chảy máu mạnh hơn. Trong khi tổn thương này cần dùng các thuốc gây lạnh và làm giảm đau tại chỗ.
Nếu dùng băng chun thì không được băng quá chặt vì có thể sẽ gây đau nhức, bầm tím thêm chỗ bị bong gân. Để giảm đau, chống phù nề có thể dùng một số thuốc được bác sĩ khám bệnh kê đơn.
Để phòng không bị bong gân, tránh bước dài vì dễ trượt chân và dễ bị chấn thương cột sống, đứt dây chằng; thận trọng khi chơi thể thao, đi giày cao gót… Nên mang bao khớp gối, bao cổ chân khi vận động nặng. Hằng ngày nên tập các động tác làm tăng trương lực các cơ quanh khớp cổ chân, khớp gối, khớp cổ tay…
BS. Ngọc Lan
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39