Cần làm gì khi trẻ tăng động giảm chú ý?
Rối loạn giảm chú ý - tăng động là rối loạn thường gặp ở trẻ và đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Đặc tính nổi bật nhất của bệnh lý này là trẻ thường gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh sự tập trung, khó kiểm soát những hành động thái quá, hay phấn khích, kích động...
Các rối loạn này thường gây hậu quả nặng nề đến học tập, làm việc và quan hệ xã hội của trẻ...
Dấu hiệu nhận biết
Áp dụng theo tiêu chuẩn giảm chú ý: có 6 (hoặc nhiều hơn) trong các triệu chứng sau của giảm chú ý, biểu hiện kéo dài ít nhất 6 tháng với mức độ làm trẻ thích ứng kém hoặc không phù hợp với mức phát triển tâm thần:
Trẻ thường không thể chú ý kỹ lưỡng vào các chi tiết, hoặc phạm những lỗi do cẩu thả trong học tập, trong công việc hoặc trong các hoạt động khác. Trẻ khó khăn duy trì sự chú ý trong nhiệm vụ hoặc trong các hoạt động chơi; Trẻ dường như không lắng nghe những gì người khác nói trực tiếp với trẻ; Không thể làm theo toàn bộ những chỉ dẫn hoặc không hoàn thành bài tập, công việc trong gia đình, những nhiệm vụ ở nơi làm việc (không phải vì hành vi chống đối hoặc không hiểu được các chỉ dẫn). Khó khăn trong cách tổ chức công việc và các hoạt động; Thường tránh né, không thích hoặc miễn cưỡng thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi phải duy trì những nỗ lực tinh thần (như làm bài tập ở trường hoặc ở nhà). Đánh mất những vật dụng cần thiết (như vở bài tập ở trường, bút chì, sách, đồ chơi và các dụng cụ khác); Dễ bị sao nhãng bởi những kích thích bên ngoài; Dễ quên các hoạt động hằng ngày.
Tăng hoạt động có 6 (hoặc nhiều hơn) trong các triệu chứng của tăng hoạt động - xung động phải xuất hiện ít nhất 6 tháng với mức độ làm trẻ thích ứng kém hoặc không phù hợp với mức độ phát triển tâm thần.
Tăng động: Khi bị tăng động trẻ cử động chân tay liên tục hoặc không ngồi yên. Rời khỏi chỗ trong lớp hoặc trong các tình huống khác mà cần phải ngồi yên một chỗ. Thường chạy quanh hoặc leo trèo quá mức trong các tình huống mà điều đó là không thích hợp (ở thanh thiếu niên, có thể chỉ biểu hiện cảm giác bồn chồn). Thường khó khăn trong khi chơi hoặc gặp khó khăn trong các hoạt động yêu cầu giữ yên lặng. Thường hoạt động liên tục hoặc hoạt động như được “gắn động cơ”.
Xung động: Thường buột miệng nói câu trả lời trước khi các câu hỏi được đặt ra hoàn chỉnh. Không thể khó khăn chờ đợi theo hàng hoặc chờ đến lượt trong các trò chơi lần lượt hoặc trong các tình huống sinh hoạt nhóm. Thường ngắt lời hoặc xâm phạm vào vấn đề của người khác.
Chăm sóc, trị liệu cho trẻ có vấn đề về nhận thức tại Bệnh viện YHCT và PHCN tỉnh Bắc Ninh.
Cần làm gì?
Đối với từng học sinh có biểu hiện tăng động giảm chú ý, giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với gia đình để hỗ trợ quá trình điều trị cho trẻ tăng động giảm chú ý. Thiết thực hơn, chính giáo viên nên là người để ý quan sát, phát hiện và khuyên cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời. Việc chữa trị cho trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ nhiều phương pháp như liệu pháp tâm lý kết hợp với giáo dục phù hợp sẽ giúp trẻ mau hồi phục và có thể hòa nhập lại cuộc sống nhanh hơn. Điều trị tâm lý là biện pháp cối lõi cho trẻ.
Bố mẹ cần có sự quan tâm đúng mực tới trẻ và tình trạng bệnh lý của trẻ để đem lại hiệu quả cao nhất. Một số biện pháp mà các bậc cha mẹ có thể áp dụng cho trẻ: Luôn đưa ra các quy tắc cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn. Trẻ cần hiểu rõ, chính xác cha mẹ mong muốn gì ở mình. Hãy giao việc cho trẻ, điều này giúp trẻ có cảm giác về trách nhiệm và nâng cao lòng tự trọng của trẻ. Tập cho trẻ thói quen làm việc có kế hoạch. Cha mẹ hãy cùng trẻ lập kế hoạch, theo dõi và giúp đỡ trẻ hoàn thành kế hoạch. Tạo cho trẻ chú ý nghe nhìn khi bạn nói. Tạo ra sự quan tâm đúng mực tới trẻ, tìm điểm mạnh để động viên kích lệ và điểm yếu để giúp đỡ trẻ hoàn thiện. Nên cho trẻ chơi trò chơi tĩnh đòi hỏi tư duy, tránh chơi game, trò bạo lực. Cho trẻ tham gia thể dục, thể thao theo sức khỏe và lứa tuổi của trẻ. Luôn nhắc trẻ luật lệ, nội quy trước khi đến nơi công cộng. Giao việc có phần thưởng tích cực mỗi khi trẻ làm một điều đúng đắn. Tránh đánh mắng trẻ.
Những trẻ tăng động giảm chú ý được điều trị sớm có tiên lượng tốt hơn. Chính vì vậy, phụ huynh nên chú ý trẻ nhiều hơn để có thể phát hiện sớm trẻ tăng động giảm chú ý giúp trẻ được chữa trị và can thiệp kịp thời.
BS. Minh Tuyết
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/can-lam-gi-khi-tre-tang-dong-giam-chu-y-n176442.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39