Ăn món tái sống, coi chừng nhiễm sán xơ mít
Các món ăn tái, sống, gỏi từ hải sản, tiết canh, rau sống, thịt (lợn, bò, dê...), lòng lợn...có sức hấp dẫn riêng, nên là sở thích của nhiều người. Ẩn sau những món ăn chưa được nấu chín đó là ấu trùng của các loại ký sinh trùng, giun sán còn tồn tại, có thể xâm nhập cơ thể con người và gây bệnh.
Nhiều người có thói quen ăn sống như: tiết động vật, gỏi cá, nem chua, nem chạo, rau sống, các món tái,... nguy cơ mắc các bệnh giun sán trong đó có sán xơ mít vì những món này thường không được nấu chín hoàn toàn nên ấu trùng sán vẫn còn tồn tại.
Bệnh sán xơ mít vì sán giống xơ quả mít hay còn gọi là bệnh sán dây còn có tên là Taeniasis. Sán dây trưởng thành, hoặc ấu trùng sán dây ký sinh (ăn bám) trong cơ thể người. Có hai loại sán dây dây lợn và sán dây bò. Bệnh có đặc điểm diễn biến kéo dài, điều trị tẩy sán gặp khó khăn vì đầu sán bám chắc và sống rất dai nên nhiều biến chứng nguy hiểm.
Con đường lây truyền
Sán dây trưởng thành sống ở ruột non của người, thời gian ủ bệnh khoảng 8-10 tuần. Đối với bệnh sán dây trưởng thành, khi người ăn phải thịt lợn, bò (hoặc trâu, lạc đà, cừu, dê, ngựa, thỏ, chó, mèo) có ấu trùng sán chưa bị làm chết, môi trường ruột non thích hợp cho ấu trùng phát triển, sau 3 tháng con sán trưởng thành hoàn toàn. Sau khoảng 10 tuần, sán trưởng thành sống trong ruột non của người, những đốt sán già tự rụng theo phân bài tiết ra ngoài.
Đối với ấu trùng sán dây lợn sống ký sinh ở trong tổ chức của một số động vật như người, lợn, lợn rừng, trâu, bò, lạc đà, cừu, dê, ngựa, thỏ, chó, mèo. Thời gian ủ bệnh ấu trùng sán dây lợn khoảng 9-10 tuần. Khi người ăn phải trứng sán dây lợn (do không giữ vệ sinh ăn uống nhiễm phải trứng sán dây hoặc phân tươi có trứng sán dây) thường chỉ với lượng nhỏ, chúng vào trong dạ dày, ấu trùng được nở. Nhưng người bị bệnh sán trưởng thành trong ruột, thì trứng sán ở đốt sán già trào ngược lên dạ dày, nở ra lượng ấu trùng lớn. Ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa, di chuyển đến da, cơ, mắt, hoặc não. Hiếm gặp bệnh ấu trùng sán dây bò.
Thói quen ăn gỏi cá, tiết canh rất dễ nhiễm sán xơ mít.
Phát hiện cách nào?
Đa phần người trưởng thành đều ăn đầy đủ dưỡng chất nên ít thấy triệu chứng biểu hiện cụ thể.
Đối với sán dây trưởng thành có các triệu chứng chủ yếu là: đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Nhưng dấu hiệu điển hình là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt do những đốt sán (sán dây bò) tự rụng ra ngoài ống tiêu hóa bất cứ lúc nào. Thông thường đốt sán ra theo phân hoặc tự bò ra ngoài hậu môn trong lúc tắm, lúc ngủ đốt sán bò ra giường, ra quần áo, bò lên người bệnh và người nằm cùng giường. Đốt sán nhỏ, dẹt, trắng ngà như sơ mít, đầu sán bằng phẳng cử động linh hoạt.
Đối với bệnh ấu trùng: Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau (có các nốt ở dưới da bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết; hoặc có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; hoặc có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù nếu có nang sán ở mắt.
Tuy nhiên, mỗi loại lớn nhỏ khác nhau nhưng sống trong ruột người, chúng thường dài đến 5-7m và tranh chấp mãnh liệt thức ăn với người. Nhiễm sán xơ mít nhẹ thì thiếu máu và vitamin B6, B12... dẫn đến suy nhược cơ thể, nặng có thể bị động kinh, liệt, mất trí nhớ, tăng áp lực nội sọ, não úng thủy, giảm thị lực, mù mắt, bệnh tim..
Không ăn đồ tái sống để phòng bệnh
Để phòng bệnh hiệu quả đối với các bệnh lây nhiễm nói chung sán xơ mít nói riêng cần ăn chín uống sôi. Vì bệnh sán dây trưởng thành thường liên quan đến thói quen, tập quán ăn thịt lợn/bò tái hoặc chưa nấu chín nhất là thịt lợn, thịt bò. Do bệnh ấu trùng sán dây lợn thường gặp ở những vùng có sử dụng phân tươi để rau nên bà con không sử dụng phân bón tươi trong sản xuất. Quản lý và xử lý nguồn phân tươi hợp lý, tránh reo rắc mầm bệnh ra môi trường. Ăn rau sống phải rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước.
Điều trị khỏi hẳn cho những bệnh nhân nhiễm sán. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi lao động hoặc tiếp xúc với dụng cụ lao động và môi trường. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm sán nên đi khám để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời. Phát hiện và tẩy sán trưởng thành sớm nếu bị nhiễm bệnh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Điều trị sán xơ mít cho người nhiễm khỏi bệnh không khó nhưng muốn diệt tận gốc tránh các nguy cơ tái nhiễm thì rất khó khăn. Do tồn tại lâu trong môi trường, cách duy nhất diệt hiệu quả các ấu trùng là cả gia đình người nhiễm bệnh phải tiệt trùng các đồ dùng sinh hoạt như quần áo, cốc tách, bát... bằng nước đun sôi.
Sau khi tẩy sán mà 3 tháng sau không thấy đốt sán bò ra ngoài hậu môn mới là điều trị thành công. Vì trên thực tế rất nhiều người bệnh áp dụng bài thuốc theo mách bảo hoặc không thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ phải sống chung với con sán nhiều năm. Vì vậy, khi bị nhiễm sán xơ mít cần đến cơ sở y tế để được tư vấn điều trị.
BS. Ngọc Minh
Link nguồn:
https://suckhoedoisong.vn/an-mon-tai-song-coi-chung-nhiem-san-xo-mit-n177254.html
Theo suckhoedoisong.vn
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39