Bác sĩ Nhi chỉ ra những nguyên nhân và độ tuổi chủ yếu trẻ rất dễ bị táo bón
Táo bón là một trong những triệu chứng bệnh đường tiêu hóa chủ yếu ở trẻ. Trong những giai đoạn nhất định, trẻ sẽ thường xuyên bị táo bón gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
3 giai đoạn trẻ dễ bị táo bón
Táo bón là một trong những triệu chứng đường tiêu hóa phổ biến hàng đầu ở trẻ em ở mọi lứa tuổi.
Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cho biết: "Táo bón là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Thống kê cho thấy có 3% trẻ khám bệnh ngoại trú và 25% trẻ đến phòng khám tiêu hoá vì táo bón. Táo bón thường được cha mẹ mô tả là đi tiêu không thường xuyên, phân cứng, to, bé phải rặn lâu và rất khó chịu, đau khi đi tiêu…".
Bé sẽ cảm thấy khó chịu khi bị táo bón - Ảnh minh họa: Internet
Theo bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, táo bón xuất hiện ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, 3 giai đoạn trẻ thường bị táo bón chủ yếu gồm: Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, trẻ tập đi tiêu trong toilet và bắt đầu đi học.
Chứng táo bón sẽ tạo một vòng lẩn quẩn không dứt: Phân ứ đọng lâu trong ruột già trở nên khô, làm bé đau (thậm chí chảy máu) khi đi tiêu, việc này khiến bé sợ và nhịn đi tiêu. Khi đó, phân lại ứ đọng và trở nên khô, làm bé càng táo bón hơn.
Nguyên nhân, dấu hiệu khi trẻ bị táo bón
Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương thông tin: "Các biểu hiện thường gặp khi táo bón là bé khó chịu, quấy khóc khi đi tiêu, phân có cục nhỏ, cứng (như phân dê), bé rất sợ đi tiêu, thường cố gắng nhịn đi.
Bé có thể có hành vi nín giữ phân bằng cách ngồi xổm, bắt chéo 2 chân, gồng cứng người, đỏ mặt, đổ mồ hôi, khóc hay trốn vào một góc".
Trong các trường hợp táo bón nặng và kéo dài, trực tràng mất nhạy cảm có thể khiến bé són phân trong quần. Táo bón thường xuyên có thể làm bé ăn kém, ngủ không ngon, hay bứt rứt, dẫn tới dinh dưỡng và thể trạng chung kém.
Trẻ bị táo bón có thể dẫn đến kém ăn, ngủ không ngon, khó chịu - Ảnh minh họa: Internet
Theo bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, chỉ có khoảng 10% trường hợp táo bón là có nguyên nhân thực thể bệnh phình đại tràng vô hạch bẩm sinh, chấn thương cột sống, tổn thương hậu môn, suy giáp, tăng can-xi máu, tiểu đường,… hay do tác dụng phụ của một số thuốc mà bé đang dùng.
Trong 90% trường hợp còn lại, nguyên nhân chủ yếu của táo bón có thể do:
- Chế độ ăn không hợp lý (uống sữa bột, ăn ít chất xơ, uống không đủ nước)
- Không được luyện tập thói quen đi tiêu đúng giờ
- Lối sống ít vận động (thường ở trẻ lớn)
Việc điều trị táo bón thường kéo dài và đòi hỏi phải phối hợp chặt chẽ các biện pháp để làm sạch phân, xóa bỏ nỗi ám ảnh đau khi đi tiêu, tạo lập thói quen đi tiêu đều đặn và phòng ngừa tái phát.
Cha mẹ cần kiên trì áp dụng các biện pháp nhằm phòng ngừa táo bón cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet
Bác sĩ Thùy Dương cho biết dù không phải là bệnh nặng nhưng táo bón lại có ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống và tình trạng dinh dưỡng của bé. Do đó, cha mẹ hãy quan tâm đúng mức và giúp bé thoát khỏi tình trạng khó chịu này.
Tuệ Lâm
Tin nổi bật
- Làm thế nào để đối phó với lo âu và trầm cảm
20/06/2024 - 10:47:23
- 5 cách phòng viêm quanh răng tránh nguy cơ rụng răng
12/03/2024 - 16:52:56
- Cách ngăn ngừa tình trạng thiếu vitamin D ở trẻ em
01/03/2024 - 11:22:11
- Bất ngờ với nguyên nhân gây viêm lợi nhiều người chưa biết
27/02/2024 - 11:38:18
- Tay chân bị lạnh vào mùa đông, nguyên nhân và cách khắc phục
26/02/2024 - 10:09:05
- Thời điểm tuyệt đối không nên massage cho trẻ
26/01/2024 - 10:30:39